Minh oan: “ODA không có tội gì trong vấn đề nợ công cả”
04/06/2015 12:12:53
ANTT.VN – Đó là quan điểm được TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR tổ chức sáng ngày 28/05/2015.

Tin liên quan

TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Gần đây, tôi gặp rất nhiều các tổ chức quốc tế như WB, ADB… Người ta cảm thấy rất là buồn lòng vì dư luận, báo chí mình đổ cho ODA làm cho nợ công tăng lên. Ví dụ như chuyện một tổ chức trong Đà Nẵng yêu cầu từ chối ODA mà đặt thành một vấn đề rất lớn là “dũng cảm để từ chối”… Những chuyện như vậy làm người ta rất là buồn”, TS. Cao Viết Sinh, người nhiều năm đảm nhiệm các cương vị quản lý, điều hành cấp cao tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư chân thành chia sẻ với các chuyên gia, học giả và đông đảo báo giới đang có mặt tại Hội thảo – nơi mà câu chuyện nợ công đã trở thành một trong ba chủ đề nóng được quan tâm bậc nhất của bản Báo cáo 2015 mà VEPR đã dày công nghiên cứu (hai chủ đề nóng còn lại liên quan đến câu chuyện Tỷ giá và Hội nhập).

Lời trải lòng của vị chuyên gia có lối nói chuyện điềm đạm và giọng nói phảng nét Trung Bộ này có lẽ nhiều ít được bắt nguồn từ ý kiến phát biểu mà một khách mời đã vừa nêu lên liền trước.

Vị nữ khách mời đó tên Tuất và theo lời giới thiệu là đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – Jica. Bà Tuất đã dành phần lớn thời lượng phát biểu để nói về nợ công Việt  Nam và đặc biệt là ở khía cạnh ODA.

Vị đại diện JICA cho biết cơ quan này đã tiến hành một đánh giá nhanh về nợ công cũng như vấn đề ODA của Việt Nam.

Theo đó, tỷ lệ Nợ nước ngoài của Chính phủ/Tổng nợ công của Việt Nam đã liên tục giảm trong giai đoạn từ 2010 – 2014. Nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu đến từ ODA nên do đó ODA của Chính phủ vay nợ so với tổng nợ công trong 5 năm qua là giảm.

Đồng thời, bà Tuất cũng chỉ rõ nguyên căn của áp lực nợ công chủ yếu xuất phát từ vấn đề bội chi ngân sách.

Bội chi ngân sách 2013 mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là hơn 6%, mặc dù cuối năm 2013 Quốc hội đã điều chỉnh bội chi ngân sách lên 5,3% GDP”, vị đại diện JICA dẫn chứng, “Bội chi ngân sách là vấn đề nan giải ở Việt Nam và trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục bội chi. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên nợ công vì cứ mỗi năm tích lũy thêm khoảng 5% GDP. Quý vị thử tính nó sẽ tăng lên nhanh như thế nào?”.

Liên quan đến câu chuyện tài trợ thâm hụt ngân sách, bà Tuất cho hay, nguồn tài trợ chủ yếu vẫn đến từ phát hành Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Theo số liệu mà JICA nhận được từ Bộ Tài chính, phát hành TPCP bằng VND trong 2014 đã tăng gấp 4 lần so với 2010, tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu của Hiệp hội kinh doanh trái phiếu thì số liệu trên đã tăng đến 8 lần. Như vậy, cần thiết phải “minh oan” cho ODA, bởi, đó không phải là nguyên nhân chính của việc gia tăng nợ công.

Nhiều công trình trọng điểm đã được tài trợ bởi nguồn vốn ODA (Ảnh: Internet)

Thêm vào đó, 55% lượng TPCP phát hành trong năm 2014 có kỳ hạn dưới 3 năm. Việc phát hành TPCP với kỳ hạn ngắn như vậy sẽ gây áp lực lớn lên khả năng trả nợ, nghĩa vụ nợ Chính phủ trên thu ngân sách là càng ngày càng tăng.

Quan điểm của chúng tôi nếu như bây giờ mọi người nói nợ công và nói rằng ODA tăng nhanh thì rất dễ gây hiểu lầm ODA là nguồn gốc gây áp lực lên nợ công. Điều này là không hợp lý”, đại diện JICA bày tỏ.

Bà Tuất cũng tỏ ra băn khoăn khi không biết Chính phủ và Quốc hội Việt Nam thực sự quan tâm đến trần nợ công 65% hay là khả năng trả nợ.

Bây giờ thay vì chúng ta cứ phát hành TPCP kỳ hạn ngắn với hy vọng lãi suất thấp thì chúng ta nên vay với kỳ hạn dài hơn và tôi nghĩ ODA là một nguồn rất đáng để xem xét bởi vì đa phần ODA là vay kì hạn rất là dài: 10 năm, 20 năm, 30 năm…”, bà Tuất kết luận.

Chia sẻ với quan điểm trên, TS. Cao Viết Sinh cho rằng: “ODA không có tội gì trong vấn đề nợ công cả, điều quan trọng là vay chúng ta có trả nợ được không và chúng ta có sử dụng hiệu quả cái tiền vay ấy không. Cái đấy mới là quan trọng”.

Trước thực trạng số liệu nợ công đang ngày càng áp sát mức trần, ông Sinh đánh giá, con số 65% cũng là do bản thân chúng ta đặt ra, mỗi nước khác nhau thì lại có một trần nợ công khác nhau như EU chỉ là 60% nhưng Nhật Bản lại lên tới 220%, có rất nhiều trần khác nhau chứ không có tiêu thức chung cho một nước.

Chúng ta đặt trần để giám sát, để theo dõi nhưng cái quan trọng, cái cốt lõi vẫn là vay về đấy có trả được không, hiệu quả sử dụng như thế nào”.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến