Dòng sự kiện:
Vay nợ ODA: Bao giờ Việt Nam “tốt nghiệp”?
30/10/2014 14:49:44
ANTT.VN – Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên): “Như Hàn Quốc đã dừng nhận ODA sau 20 năm và "tốt nghiệp" sau 30 năm. Có ý thức này thì mới sử dụng và quản lý hiệu quả ODA”

Tin liên quan

quốc hội, đại biểu lê thị nga

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên)

Hôm nay (29/10) Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình KTXH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Trong đó, những chủ đề liên quan nợ công đã được khá nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, đặc biệt vấn đề nhận và sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA). Bởi, theo báo cáo của cơ quan điều hành, nợ đang tăng nhanh, tỷ lệ chi trả trực tiếp từ ngân sách ở mức 14,2%, trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công (không quá 25%). Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.

Phát biểu tại phiên thảo luận,Đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn ĐBQH Tỉnh Thái Nguyên) đánh giá cao những lợi ích mà dòng vốn này mang lại cho kinh tế Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, theo bà Nga, cơ chế sử dụng nguồn tiền giá rẻ này tại Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, các dự án lại trở thành nơi dễ bị lợi dụng, phát sinh nhiều tiêu cực, gây thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, uy tín với nhà tài trợ như trong các vụ PMU 18, JTC…

Vị nữ đại biểu này cũng đã dẫn chứng kinh nghiệm thành công của Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore trong việc sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển ODA thì có 3 điều kiện: Một là là tiền vay được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả. Hai là, hạ tầng được xây dựng với chất lượng rất tốt, được quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Ba là, sử dụng có chọn lựa, chỉ vay để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, chú trọng xóa đói giảm nghèo, hướng đến khu vực tư nhân, không vay ODA để theo đuổi các siêu dự án.

“Như Hàn Quốc đã dừng nhận ODA sau 20 năm và "tốt nghiệp" sau 30 năm. Có ý thức này thì mới sử dụng và quản lý hiệu quả ODA”, bà nói.

Đồng thời, vị nữ Đại biểu đến từ Thái Nguyên cũng này cũng cho rằng cần phải nhận thức đúng đắn về vốn, đặt kế hoạch để chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa, bởi lệ thuộc vào dòng vốn này được xem là thất bại của chiến lược phát triển.

"Bên cạnh đó, Quốc hội, người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân, chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình về quản lý ODA", vị này nhận định. Trước thực tế này, bà Nga cho rằng cần có quy định chặt chẽ các lĩnh vực sử dụng vốn ODA, tránh tình trạng phân bổ dàn trải, không tập trung cho lĩnh vực đầu tàu, tạo tâm lý ỷ lại, không nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác.

Ngoài thực trạng sử dụng nguồn vốn vay chưa hiệu quả, vay nợ tăng, vấn đề căng thẳng ngân sách cũng được Quốc hội chú ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP. HCM) đặt câu hỏi vì sao ngân sách căng thẳng đến nỗi không có nguồn tăng lương. Vị này đề nghị vấn đề này, cùng với câu chuyện nợ công, phòng chống tham nhũng... cần được Chính phủ báo cáo một cách rõ ràng, minh bạch hơn.

Bên cạnh câu chuyện nợ nần, trong phiên sáng nay, vấn đề hồi phục kinh tế, thực trạng khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp cũng được nhiều đại biểu thảo luận.

Theo kế hoạch, phiên thảo luận sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày và trong các phiên thảo luận, Chủ tọa kỳ họp cũng sẽ lần lượt mời các thành viên Chính phủ tham gia giải đáp thắc mắc cho các đại biểu.

N.G

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến