MobiFone bán vốn ngân hàng, đâu có dễ?!
25/04/2016 16:16:32
ANTT.VN – Nằm trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của MobiFone, ông lớn ngành viễn thông này đã quyết định thoái toàn bộ vốn đang sở hữu tại hai ngân hàng SeAbank và TPBank tuy nhiên mọi sự diễn ra lại không được như kỳ vọng.

Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) do Tổng Công ty Viễn thông Mobifone sở hữu được tổ chức vào sáng nay (ngày 25/04/2016).

Số cổ phần đưa ra đấu giá lần này là 14.285.714 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm: 8.900 đồng/cổ phần.

Phiên đấu giá chỉ thu hút được 6 NĐT tham gia (gồm 2 NĐT tổ chức và 4 NĐT cá nhân) với tổng số khối lượng đăng ký mua hợp lệ là 8.735.800 CP trên tổng số hơn 14 triệu CP đưa ra đấu giá.

MobiFone chỉ thu về 77,75 tỷ đồng sau phiên đấu giá cổ phần TPBank

Toàn bộ số cổ phiếu đăng ký mua đều trúng đấu giá với giá đấu thành công cao nhất là 9.200 đồng/cổ phần, thấp nhất là 8.900 đồng/cổ phần. Giá đấu thành công trung bình là 8.900 đồng/cổ phần – bằng đúng giá khởi điểm mà MobiFone đưa ra. Tổng giá trị cổ phần bán được là 77,75 tỷ đồng. 

Trước đó, cùng đợt thoái vốn tại TPBank, ông lớn ngành viễn thông cũng chào bán hơn 33,4 triệu cổ phần (CP) của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tuy nhiên đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15 giờ 30 ngày 15.04.2016) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá nên HNX đã quyết định không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của SeABank.

Việc đấu giá CP ở hai ngân hàng thương mại nằm trong lộ trình thoái vốn ngoài ngành của MobiFone để chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa dự kiến diễn ra trong năm nay.

Trên thực tế, tuy giá khởi điểm mà MobiFone đưa ra đối với việc thoái vốn tại hai nhà băng trên đều thấp hơn mệnh giá nhưng theo khảo sát, giá giao dịch trên thị trường không tập trung (OTC) của SeABank chỉ 5.000 đồng/cổ phần (giao dịch đến ngày 20.4).

Nói về lý do đưa ra giá dưới mệnh giá, Mobifone cho biết, giá khởi điểm để tổ chức đấu giá công khai được xác định trên cơ sở kết quả của đơn vị chức năng thẩm định giá nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của khoản đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đã được trích lập bổ sung đầy đủ theo đúng quy định.

Ngoài vấn đề trên thì tình hình kinh doanh của SeAbank lại không được lòng các nhà đầu tư khi báo cáo công bố chỉ dài một trang với hàng loạt điểm đáng chú ý trong BCTC được kiểm toán.

Tại ngày 31/12/2014, SeAbank có dư nợ cho vay đối với Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Các khoản cho vay này đang thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhà băng này cũng đang theo dõi khoản cho vay Công ty CP Vận tải Dầu khí Việt Nam (Falcon) là công ty con thuộc Vinalines trên khoản mục cho vay khách hàng. Theo đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 - 2015, Falcon thuộc danh sách DN thực hiện phá sản. Giá trị thu hồi của khoản cho vay Falcon sẽ phụ thuộc vào giá trị thanh lý của các tài sản bảo đảm cho khoản vay này và các tài sản khác của Falcon mà Ngân hàng được tham gia phân chia theo quy định của Luật Phá sản.

Ngoài ra, các khoản mua nợ của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeAbank đang được trích lập dự phòng theo chế độ tài chính áp dụng cho loại hình công ty quản lý nợ và khai thác tài sản. Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeAbank đang trong quá trình chuẩn bị thanh lý các tài sản bảo đảm nên chưa xác định được giá trị thu hồi của các tài sản bảo đảm liên quan đến các khoản mua nợ này.

Đầu năm 2016, MobiFone cũng mua lại 95% cổ phần tại Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) để phát triển tập trung vào 4 mảng chính gồm: di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện.

Hiểu Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến