Mobifone: 'cú ngoặt lịch sử'' và thế chân vạc trên thị trường viễn thông
02/08/2016 11:37:51
ANTT.VN - Đã gần 2 năm kể từ khi Mobifone chính thức tách khỏi tập đoàn mẹ và chuyển đổi thành Tổng công ty với kì vọng cùng với VNPT, Viettel tạo ra thế chân vạc trên thị trường viễn thông di động Việt Nam.

Tin liên quan

Thời điểm cuối năm 2014 ghi dấu bước ngoặt lịch sử của MobiFone khi chính thức tách khỏi VNPT và "lên đời" Tổng công ty.

MobiFone được thành lập ngày 16/04/1993 với tên gọi ban đầu là Công ty thông tin di động và sau đó chuyển đổi thành Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu vào năm 2010.

Đến tháng 12/2014, công ty này được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, với vốn điều lệ 12.600 tỷ đồng, gấp khoảng 10 lần so với quy định của Chính phủ đối với việc hình thành tổng công ty.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao quyết định việc chuyển đổi theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa MobiFone theo đúng Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2011-2015.

Để thực hiện thuận lợi việc cổ phần hóa, Mobifone đã đề nghị Bộ TT&TT chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên thành 15.000 tỷ đồng .

Theo Cổng thông tin Chính phủ, với tính toán của Bộ Tài chính, vốn chủ sở hữu của Mobifone tại thời điểm 30/6/2014 là 13.011 tỷ đồng, cùng với nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu là 2.278 tỷ đồng. Như vậy, vốn chủ sở hữu của Mobifone tính đến 31/12/2015 là 15.289 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ này đã thống nhất với đề nghị của Bộ TT&TT về mức vốn điều lệ mới của Công ty MobiFone.

5 ngành nghề kinh doanh chính của Mobifone gồm: Đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT; Lắp ráp và sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT; Tư vấn, khảo sát, thiết kế, xây lắp chuyên ngành điện tử, viễn thông, CNTT; Kinh doanh các thiết bị điện tử viễn thông, CNTT; Bảo trì, sửa chữa thiết bị chuyên ngành điện tử viễn thông, CNTT.

Bốn ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính gồm: Xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị viễn thông phục vụ hoạt động của đơn vị; Đầu tư tài chính trong lĩnh vực viễn thông, CNTT theo quy định của pháp luật; Dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, CNTT; Cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.

Các công ty con, công ty liên kết gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ MobiFone toàn cầu; Công ty Cổ phần Dịch vụ gia tăng MobiFone; Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật MobiFone và một số công ty liên kết khác.

Từ cuối tháng 4/2015 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Nam Trà và Tổng giám đốc Cao Duy Hải. MobiFone đã đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2015. Cụ thể doanh thu đạt 36.900 tỷ đồng, tăng 8,29%, lợi nhuận 7395 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu vẫn ở mức cao đạt 49,35%, nộp ngân sách 6922 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2014.

Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 cho thấy MobiFone đã dần khẳng định được vị thế độc lập của mình, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông. Sự phát triển của MobiFone đã tạo ra "thế chân vạc" của thị trường viễn thông là VNPT, MobiFone và Viettel, góp phần tạo lập một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phát triển bền vững.

Tính đến thời điểm hiện tại, MobiFone vẫn là một trong ba nhà mạng di động lớn nhất Việt Nam với hơn 30% thị phần.

Ông Lê Nam Trà - Chủ tịch HĐTV Mobifone.

Tuy nhiên, theo số liệu kinh doanh quý 1/2016 báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của MobiFone chỉ ở mức 8.315 tỷ đồng. Trong khi con số này ở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 11.917 tỷ đồng và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là 54.406,7 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch mà chính Viettel đặt ra.

Khi nhìn vào con số lợi nhuận, sự chênh lệch giữa các “ông lớn” lại còn lớn hơn nữa. Số liệu cập nhật mới nhất cho thấy, trong khi Viettel đạt gần 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm, thì VNPT chỉ đạt gần 1.000 tỷ đồng - chỉ tương đương 10% Viettel (trong khi doanh thu bằng gần 22%). MobiFone có con số khả quan hơn với gần 1.500 tỷ đồng - bằng 15% so với Viettel nhưng vẫn gấp gần 1,5 lần VNPT.

Đầu tháng 1/2016, MobiFone đã ra thông báo công bố thông tin chính thức mua cổ phần tại AVG và lấn sân sang kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. MobiFone cho rằng, đây là bước đi quan trọng, cụ thể hoá 4 lĩnh vực trong chiến lược kinh doanh của MobiFone là: Di động – Bán lẻ - Truyền hình – Đa phương tiện.

Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone được Bộ TT&TT đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt vào tháng 12/2015.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT chiều ngày 6/6/2016, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone cho biết, khó khăn lớn nhất của MobiFone hiện nay là việc bổ sung vốn kinh doanh dịch vụ truyền hình. “Thủ tục để rót vốn đầu tư cho dịch vụ truyền hình theo quy định còn gặp nhiều khó khăn. MobiFone kiến nghị Bộ TT&TT và Bộ Tài chính có biện pháp tháo gỡ các khó khăn về thủ tục để MobiFone có thể tăng vốn đầu tư kinh doanh dịch vụ truyền hình”, ông Trà cho hay.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến