Dòng sự kiện:
Một đề xuất khó hiểu
11/10/2018 17:17:33
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại NHTM ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg của TTCP.

Sửa đổi bổ sung đáng chú ý nhất đó là Dự thảo Quyết định bổ sung thêm khá nhiều trường hợp mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được từ chối thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh và những trường hợp VDB được từ chối thực hiện một phần nghĩa vụ bảo lãnh. Trong đó quy định đang gây nhiều băn khoăn nhất là việc VDB có thể được từ chối thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp NHTM bán khoản nợ được VDB bảo lãnh cho tổ chức mua nợ mà không được sự chấp thuận của VDB.

Ảnh minh họa

Nhưng theo góc nhìn của người viết, quy định này có thể ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh của các ngân hàng bởi trên thực tế, có không ít trường hợp ngân hàng muốn bán lại các khoản nợ nhằm thu hồi vốn nhanh để đầu tư vào lĩnh vực khác. Tuy nhiên chiểu theo quy định này, muốn bán khoản nợ mà VDB bảo lãnh, việc đầu tiên là các ngân hàng phải “xin phép” VDB, bởi nếu không được VDB chấp thuận, khoản nợ sẽ không còn bảo lãnh (không còn được đảm bảo nghĩa vụ trả nợ) nên sẽ không có tổ chức nào dám mua khoản nợ như vậy. Điều đó có thể khiến các ngân hàng bỏ lỡ cơ hội kinh doanh hoặc cơ hội để xử lý nhanh khoản nợ của mình, nhất là khi khoản nợ đó có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.Do cơ quan soạn thảo không đăng tải Bản giải trình kèm theo dự thảo này nên không rõ quy định trên được bổ sung thêm vào là vì lý do gì? Hướng tới xử lý những khó khăn, bất cập nào?

Song điều đáng nói hơn cả là quy định trên dường như đang mâu thuẫn với các quy định về bảo lãnh và chuyển giao quyền, nghĩa vụ tại Bộ luật Dân sự, cũng như quy định về hoạt động mua bán nợ của các tổ chức tín dụng.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 335 Bộ luật Dân sự: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Đối chiếu quy định này vào các khoản nợ có bảo lãnh của VDB có thể thấy, ngân hàng (bên nhận bảo lãnh) là bên có quyền; trong khi VDB (bên bảo lãnh) và DN (bên được bảo lãnh) là các bên có nghĩa vụ.

Trong khi Điều 365 Bộ luật Dân sự quy định về chuyển giao quyền yêu cầu cũng nêu rõ: Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.

Chiểu theo các quy định này có thể hiểu, việc các ngân hàng bán nợ không cần có sự đồng ý mà chỉ cần thông báo cho bên có nghĩa vụ, tức là DN vay nợ và bên bảo lãnh.

Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài cũng không có quy định nào yêu cầu tổ chức tín dụng bán các khoản nợ được bảo lãnh của bên thứ ba phải cần sự chấp thuận của bên bảo lãnh cả. Trong khi Điều 14, Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ nêu rõ: Bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ của bên bán nợ kể từ thời điểm theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ. Bên bán nợ chuyển giao quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ bao gồm cả quyền, nghĩa vụ đối với các biện pháp bảo đảm khoản nợ đó (nếu có)...

Thiết nghĩ, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) hoặc cơ quan thẩm định (Bộ Tư pháp) có những giải đáp rõ ràng về những đề xuất sửa đổi trên để xóa đi những băn khoăn này cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng đối với ngân hàng.

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến