Dòng sự kiện:
Một năm biến động với chứng khoán thế giới
05/12/2018 21:05:01
Mặc dù còn một tháng nữa mới kết thúc năm, nhưng với những biến động mạnh mẽ diễn ra trong cả năm qua, chứng khoán toàn cầu năm 2018 đã đánh dấu những mốc thay đổi mới.

Thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2018 đã đi vào xu thế giảm tốc với nhiều phiên biến động mạnh; diễn biến tăng giảm đan xen giữa các tháng nhưng mức độ giảm diễn ra nhiều hơn. Đặc biệt, thị trường ghi nhận những phiên điều chỉnh mạnh trong tháng 2 và tháng 10 trước tác động của các biến động kinh tế, địa chính trị trên toàn cầu.

Diễn biến chỉ số MSCI ACWI - Nguồn:msci.com

Theo đó, chỉ số MSCI ACWI toàn cầu đo lường sự biến động chỉ số chứng khoán của 23 nền kinh tế phát triển và 24 nền kinh tế mới nổi vào thời điểm cuối tháng 11 hiện đang ở mức 490,86 điểm, giảm 3,77% so với cuối năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đi theo xu thế diễn biến chung của chứng khoán toàn cầu. Các chỉ số chủ chốt trên thị trường giảm điểm khá mạnh trong quý I, hồi phục trong quý II và quý III nhưng tiếp tục biến động mạnh trở lại trong quý IV. Nhìn chung, thị trường chịu sự chi phối trước tác động của các sự kiện chính trị, như việc gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hay xu thế thắt chặt CSTT của Fed.

Cụ thể, sau 11 tháng, cả 3 chỉ số chính trên thị trường Mỹ vẫn duy trì đà tăng điểm so với cuối năm trước nhưng mức tăng chỉ chưa bằng 1/3 so với mức tăng của năm 2017, trong đó chỉ số Dow Jones đạt mức tăng 3,86%; Nasdaq tăng 3,87%, S&P 500 tăng 7,09%.

Diễn biến tăng trưởng các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại các thị trường chính trong năm 2018 - Nguồn: Bloomberg

Trong năm 2018 vừa qua đã chứng kiến 2 đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 2 và tháng 10. Vào ngày 5/2/2018, S&P 500 đã rớt -4.1%, kéo theo chỉ số MSCI EM Index ngày hôm sau giảm -2.74% còn trong ngày 10/10 vừa qua, S&P 500 đã rớt -3.29%, kéo MSCI EM Index giảm -3.15%. Việc trong 1 năm xảy ra 2 đợt sụt giảm mạnh là điều ít thấy tại Mỹ.

Chứng khoán châu Âu diễn biến kém tích cực hơn thị trường chứng khoán Mỹ. Các chỉ số chủ chốt giảm điểm trong quý I, hồi phục trở lại trong quý II, biến động trong quý III và tiếp tục hình thành xu hướng giảm mạnh trong quý IV.

Về các yếu tố chi phối diễn biến trên thị trường, bên cạnh những tác động bên ngoài thì còn xuất phát từ triển vọng kinh tế vĩ mô ảm đạm trong khu vực và những vấn đề chính trị trong nội khối. Thị trường chứng khoán Đức đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất, tiếp theo là các thị trường Anh, Italia, Pháp.

Cụ thể, chỉ số DAX của Đức giảm 13,,03%; FTSE 100 của Anh giảm 9,01%, FTSE Italia giảm 12,2% và CAC 40 của Pháp giảm 5,19%. Với diễn biến như vậy, chỉ số Euro Stoxx toàn khu vực qua 11 thán đã giảm 9,2% so với cuối năm ngoái.

Tại Châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng chịu tác động mạnh từ những thông tin kém tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu và diễn biến cùng với xu hướng chung của chứng khoán thế giới.

Tại thời điểm cuối tháng 11, chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương đã giảm 11,49% so với cuối năm ngoái. Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính trong khu vực đều giảm điểm nhưng mức điều chỉnh có sự khác biệt. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật chỉ điều chỉnh giảm mạnh trong quý I và tháng 10 trong khi vẫn duy trì đà tăng trong các tháng còn lại, nhờ đó qua 11 tháng chỉ điều chỉnh giảm nhẹ 0,75% so với cuối năm ngoái.

Trong khi đó, chỉ số Shanghai của Trung Quốc giảm mạnh 23,21% trước những diễn biến kém tích cực về kinh tế-chính trị của Trung Quốc và một lượng vốn lớn vẫn đang có xu hướng thoái mạnh ra khỏi thị trường lục địa. Một số chỉ số chủ chốt khác cũng giảm điểm mạnh như chỉ số HangSeng của Hồng Kông giảm 10,49%, Kopsi của Hàn Quốc giảm 14,78%…

Về tương lai của thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng sau nhiều đợt sụt giảm mạnh gần đây, các chỉ số chứng khoán sẽ ngừng rơi nhờ triển vọng lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ  thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Sacha Tihanyi, Phó trưởng bộ phận thị trường mới nổi tạiTD Securities cho biết, mặc dù những chuyển biến trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung gần đây là các tín hiệu khá tích cực cho thị trường, nhưng nỗi lo về mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn còn đó và các nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng trong ngắn hạn. Một số vấn đề lớn không phải có thể dễ dàng giải quyết trong ngắn hạn.

Như vậy, trong một bối cảnh mà các sự kiện địa chính trị vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, thì không phải dễ dàng để có thể đưa ra những nhận định chính xác về xu hướng diễn biến của thị trường trong thời gian tới.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến