Dòng sự kiện:
Một năm khó khăn của các quỹ
14/01/2019 17:01:00
2018 là năm xấu cho hầu hết các quỹ đầu tư khi chứng kiến mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) đều âm nặng. Mức giảm lớn nhất thuộc về quỹ Hestia khi giá trị tài sản ròng giảm đến 24%.

Quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam hiện nay là VEIL của Dragon Capital trước đó vào năm 2017 đã đại thành công nhờ sự phục hồi của các cổ phiếu ngân hàng thì năm 2018 cũng không thể hưởng niềm vui khi giá trị quỹ giảm 11%. Mức giảm ít nhất thuộc về quỹ TVGF (-3,7%), theo sau đó là quỹ BCF của công ty quản lý quỹ VCBF với mức âm 5,3%.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn

Chỉ số VN-Index trong năm 2018 đã giảm 9,3% trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chính thức bước vào chu kỳ giảm tốc. Theo phân tích của các chuyên gia tại TVGF, trong năm 2018, mặc dù được hỗ trợ từ tình hình vĩ mô trong nước ổn định, với GDP cả năm tăng 7,08%, lạm phát kiểm soát ở mức 3,54% và dự trữ ngoại hối quốc gia dồi dào từ xuất siêu và nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán trong nước vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự sụt giảm của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới. Những lo ngại chiến tranh thương mại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cũng như việc e sợ các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ giảm tốc.

Trong năm nay, chứng khoán có thể sẽ khó lạc quan khi nhiều rủi ro vẫn còn hiện diện. Trong bối cảnh đó, các quỹ bắt đầu có những động thái điều chỉnh một chút về chiến lược hoạt động theo hướng phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực có triển vọng nhất.

Đơn cử như từ cuối năm ngoái, Dragon Capital đã nâng tỷ trọng đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản (như KDH, Đất Xanh). Mới đây quỹ này cũng trở thành cổ đông lớn của Công ty chứng khoán SSI - công ty có thị phần môi giới lớn nhất thị trường - để hưởng lợi từ sự gia tăng quy mô giao dịch hàng ngày của thị trường, hay tăng giải ngân vào thủy sản Vĩnh Hoàn với mục tiêu tận dụng cơ hội từ xuất khẩu cá tra của Việt Nam nhờ các hiệp định thương mại.

Những lĩnh vực khác được đánh giá có tiềm năng là bất động sản khu công nghiệp và các dịch vụ logistics cũng nhận được nhiều sự quan tâm.  Từ cuối năm ngoái, quỹ Vina Capital đã giải ngân vào các hãng logistics như Logivan và Fastgo. “Chúng tôi tin rằng các cơ hội trong lĩnh vực logistics là rất lớn và chu kỳ tiếp theo của Việt Nam sẽ xuất hiện trong lĩnh vực này - đó là lý do chúng tôi đầu tư vào Logivan và FastGo. Chi phí cho các dịch vụ logistics chiếm một phần rất lớn trong khu vực, nếu không muốn nói là cao nhất và các công ty khởi nghiệp với mục tiêu thay đổi điều này chắc chắn sẽ làm tốt”, đồng sáng lập và CEO VinaCapital, ông Don Lam, nhận định.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư 2019, Vina Capital cho rằng tăng trưởng lợi nhuận trên cổ phần (EPS) của Việt Nam sẽ giảm từ 25% trong năm 2018 xuống còn 12% - 13% trong năm 2019. Lý do là tăng trưởng EPS trong 2018 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố “bất ngờ”, nếu loại bỏ chúng đi, tăng trưởng EPS 2018 chỉ là 15%.

Cơ hội trong năm 2019 có thể nằm ở nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình. Lý do là hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều cổ phiếu vốn hóa tầm trung của Việt Nam mang tính phòng vệ bởi những công ty này tập trung vào những khía cạnh quan trọng trong kinh tế thường nhật.

Sau một năm khó khăn, trước thềm năm mới, lãnh đạo các quỹ cho rằng cơ hội cho chứng khoán vẫn còn khá lớn. Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc đầu tư của TVGF, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á khi Việt Nam được hỗ trợ bởi làn sóng FDI gia tăng, xuất khẩu tăng tốc và các hiệp định thương mại tự do. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường, làn sóng IPO, thoái vốn nhà nước cũng như chiến tranh thương mại nếu hạ nhiệt có thể sẽ mang tới những cú hích mới cho VN-Index trong năm nay.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến