Tháng 3 là thời điểm tuyệt vời để nông dân thu hoạch mật ong bởi mùa xuân cây cối nhiều hoa, ong làm mật chăm chỉ và cho ra những mẻ mật ngọt lịm.
Đã có 40 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, ông Lê Thọ Cuốn (SN 1954), ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là một thợ nuôi lành nghề. Có hơn 50 đàn ong, ông Cuốn đặt ở nhiều khu vườn khác nhau.
Theo kinh nghiệm của ông, ong lấy mật quanh năm, chúng luôn tìm nơi có hoa nở. Tuy nhiên, vào tháng 3, ong lấy được nhiều mật hơn cả và mật mùa này cũng ngon nhất. Mùa thu hoạch mật ong thường vào khoảng tháng 3 đến tháng 6, khoảng thời gian này mật ong dồi dào nhất trong năm.
Đôi khi, cũng tùy thuộc vào nguồn hoa, khi nào kiểm tra thấy cầu ong có mật đầy thì người nuôi ong sẽ tiến hành thu hoạch.
Mặc áo và mũ choàng màu tím, đeo găng tay bảo vệ, ông Cuốn cùng mấy người bạn nuôi ong nhẹ nhàng tiến vào khu vườn đặt các thùng gỗ nuôi ong. Cẩn thận mở nắp thùng, đàn ong túa ra, ông Cuốn nhấc từng cầu ong đầy mật ra khỏi thùng đưa cho một người đứng cạnh để mang đi quay mật. Thông thường, ông để lại một cầu mật còn nguyên trong thùng để đàn ong không bỏ đi mất.
Mọi thói quen, sở thích của đàn ong ông Cuốn đều hiểu hết. "Tôi hiểu đàn ong còn hơn hiểu bản thân mình. Không phải tôi nuôi chúng, mà là chúng đã nuôi tôi có ngày hôm nay", lão nông 66 tuổi nói. Cách khoảng 10 đến 15 ngày, ông Cuốn quay mật một lần. Qua tháng 6, ông nghỉ khai thác để tách đàn, nhân giống.
"Ong sẽ gắn bó khi ta đảm bảo chúng luôn đủ mật để nuôi ong non vào mùa ong không lấy được mật. Do đó, người nuôi ong phải giữ đủ lượng mật cho ong", ông Cuốn chia sẻ.
Nỗi lo của người nuôi là ong lấy mật ở những cây hoa có phun thuốc bảo vệ thực vật khiến ong bị chết hoặc gặp năm thời tiết thất thường, nguồn hoa ít. Muốn có được năng suất mật lớn, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có nguyên liệu làm mật quanh năm. Để đàn ong khỏe mạnh, không bệnh tật, ông phải thường xuyên kiểm tra, che chắn khi thời tiết xấu.
Mỗi năm, ông Cuốn thu hoạch hơn 1 tấn mật ong. Với giá bán ra thị trường từ 250.000-300.000 đồng/lít, lão nông thu về trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông còn bán giống ong, chuyển giao kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu. Thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong nhiều năm qua đã giúp kinh tế gia đình ông khá giả.
"Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích, có thể nói là "một vốn bốn lời", lão nông có 40 năm kinh nghiệm chia sẻ. Tâm huyết với nghề, hiện nay ông Cuốn nhận giúp đỡ truyền nghề cho các hộ nuôi khác, giúp họ có thêm thu nhập.
Phòng Nông nghiệp huyện Thường Xuân cho biết, nghề nuôi ong đang ngày càng phát triển với số hộ nuôi tăng lên trong huyện. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở địa phương này luôn có được nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy