Dòng sự kiện:
Mua trái phiếu cần biết 'săm soi'
22/09/2021 09:25:46
Lãi vay ngân hàng liên tục giảm, song hàng loạt doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất gấp 2 - 3 lần. Có nguyên nhân do thị trường, nhưng cũng có nguyên nhân nằm ở “sức khoẻ” nội tại của chính doanh nghiệp.

8 tháng đầu năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm chiếm 51% tổng khối lượng phát hành.

Bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường vốn đang chứng kiến cuộc đua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021 có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị 308,517 tỷ đồng, mức cao chưa từng có.

Làm chủ “cuộc chơi” ở kênh gọi vốn này gồm có nhóm ngân hàng thương mại, bất động sản, công ty chứng khoán, xây dựng, năng lượng…, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là ngân hàng và bất động sản.

Đáng lưu ý, trong khi lãi suất trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động trên dưới 4%/năm, không chênh lệch nhiều so với lãi vay ngân hàng, thì nhiều doanh nghiệp mạnh tay trả 9 - 13%/năm cho lãi suất huy động trái phiếu (trước đó có doanh nghiệp trả tới 18%/năm).

Chính mức lãi suất cao này đã giúp các doanh nghiệp hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư. Đây cũng chính là lý do mà năm 2020, trong khi kênh tín dụng ngân hàng chỉ tăng trưởng 12,1% thì nguồn vốn huy động của doanh nghiệp qua kênh trái phiếu tăng 28,3% so với năm 2019 (đạt kỷ lục 429.500 tỷ đồng).

Nhờ đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt quy mô 950.300 tỷ đồng, tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Phát biểu tại một buổi tọa đàm mới đây về trái phiếu doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA nhận định, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh dẫn vốn quan trọng, vốn có kỳ hạn dài, có lãi suất tương đối ổn định, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai, mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời đa dạng hoá tài sản đầu tư cho nhà đầu tư.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Bambo Captital group (BCG) cho biết, doanh nghiệp đôi khi gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, vì thời gian thẩm định lâu và chặt chẽ, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh. Từ năm 2019 đến nay, nhận thấy trái phiếu có thể mang về dòng tiền phù hợp nên BCG đã sử dụng kênh này, trên cơ sở cân đối cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu, đảm bảo tính bền vững và tối ưu hoá lợi ích cổ đông cũng như nhà đầu tư đồng hành.

Chuyên gia cảnh báo rủi ro

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, hiện có nhiều lỗ hổng trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, tất cả các biện pháp từ pháp lý đến thực dụng đều chưa đủ để kiểm soát, ngăn chặn rủi ro. Vài năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mua theo phong trào vì lãi suất cao.

Về rủi ro nếu mua “công cụ nợ” của doanh nghiệp yếu kém, TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM nhận định, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đa số là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, với tính “trách nhiệm hữu hạn”, nên người mua trái phiếu gặp rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phá sản, việc xử lý tài sản sẽ theo pháp luật về phá sản, khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư trái phiếu rất thấp.

“Riêng đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ của các công ty chưa đại chúng, cơ chế kiểm soát hoạt động này còn lỏng lẻo nên nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ bị tổ chức phát hành lừa dối, qua mặt trong việc sử dụng vốn. Nhà đầu tư cần xác định, không có câu chuyện hàng ngon mà giá siêu rẻ. Nếu doanh nghiệp có dự án tốt và có tài sản bảo đảm thì thông thường họ sẽ chọn phương án vay ngân hàng để được hưởng lãi suất thấp và giảm được nhiều chi phí khác”, ông Nam phân tích.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) lưu ý, trong 8 tháng đầu năm 2021, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm chiếm 51% tổng khối lượng phát hành, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ…

Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao, mà cần đánh giá đầy đủ các rủi ro trước khi quyết định mua để tránh nguy cơ mất vốn.

Đánh giá “sức khoẻ” doanh nghiệp trước khi đầu tư trái phiếu

Cuối tháng 7/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn APEC Group (APEC Group) chào bán hai đợt trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, với lãi suất tương ứng là 11%/năm và 13%/năm, kỳ 1 phát hành ngày 28/7/2021, kỳ 2 dự kiến phát hành ngày 26/10/2021.

Trước đó, tháng 9/2020, APEC Group chào bán lô trái phiếu mang tên Happybond giá trị 3.000 tỷ đồng, với lãi suất lên tới 18%/năm, cao nhất thị trường trái phiếu bất động sản.

Được biết, APEC Group thành lập năm 2017 nhưng đã có hàng loạt dự án như Apec Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái (tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng), Khu đô thị Apec Royal Park Huế (10.000 tỷ đồng), Apec Aqua Park Bắc Giang (1.600 tỷ đồng), Apec Mandala Wyndham Mũi Né (2.000 tỷ đồng), Apec Diamond Park Lạng Sơn (1.500 tỷ đồng), Khu công nghiệp Apec Đa Hội tại Từ Sơn, Bắc Ninh (1.200 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, Công ty chưa phát sinh khoản doanh thu nào, nhưng vẫn báo lãi, mặc dù số lãi mang tính “tượng trưng”: năm 2017 là 3,1 triệu đồng; 2018 là 5,4 triệu đồng; năm 2019 là 68,3 triệu đồng; đến năm 2020 tăng lên gần 1,5 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của APEC Group không mấy khả quan khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) tăng hàng chục lần qua các năm từ 2017 đến 2020, lần lượt là 0%, 0,0002%, 11,36%, 36,33%, cho thấy Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn. Trong năm 2020, 70% nguồn vốn của APEC Group đến từ trái phiếu doanh nghiệp.

Có lẽ nhiều nhà đầu tư quan ngại về năng lực tài chính của APEC Group nên đợt phát hành trái phiếu cuối năm 2020, giá trị phát hành kỳ vọng là 3.000 tỷ đồng với lãi suất lên tới 18%/năm nhưng cuối cùng doanh nghiệp cũng chỉ thu về vỏn vẹn 8,1 tỷ đồng.

Chưa hết, mới đây, trong số những dự án bị Thanh tra Chính phủ “điểm mặt” vì vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai có dự án Khu dân cư số 5 phường Túc Duyên và Khu công nghiệp Điềm Thuỵ do Công ty cổ phần Đầu tư APEC Thái Nguyên, một doanh nghiệp trong hệ sinh thái APEC Group làm chủ đầu tư.

Trong số những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất tháng 8/2021 có Công ty cổ phần CMC, phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, kỳ hạn 1 - 5 năm, với lãi suất 9,5 - 10,6%/năm. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, Công ty có doanh thu 607 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 32 tỷ đồng.

Trong 715 tỷ đồng vốn chủ sở hữu có tới 658 tỷ đồng là nợ phải trả (trong đó, nợ ngắn hạn là 552 tỷ đồng). Trong kỳ, doanh nghiệp phải chi gần 433 tỷ đồng để trả nợ gốc (cùng kỳ năm ngoái trả 468 tỷ đồng nợ gốc).

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc CMC, Công ty gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, trong khi đang nâng cấp dây chuyền sản xuất và tăng chi phí quảng bá thương hiệu. Bởi vậy, Công ty phát hành trái phiếu để tăng vốn hoạt động và trả bớt nợ.

Tương tự, không ít doanh nghiệp bất động sản vừa phát hành trái phiếu thành công đang có các khoản nợ lớn. Chẳng hạn, tính đến ngày 30/6/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô có nợ phải trả 6.588 tỷ đồng (hệ số D/E: 1,53), Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ có tổng nợ vay tăng 160%, lên 2.137 tỷ đồng (D/E: 0,94)…

So sánh giữa mức lãi suất ngân hàng hiện tại khoảng 6%/năm và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp 9 - 13%/năm, không khó hiểu khi thị trường đang chứng kiến sự dịch chuyển dòng vốn từ kênh tiết kiệm sang kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi có khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư vẫn nên “soi” kỹ sức khoẻ doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư trái phiếu.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fiin Ratings

Hiện nay có nửa triệu nhà đầu tư trái phiếu, đầu tư vào mấy nghìn doanh nghiệp phát hành, ít doanh nghiệp có thương hiệu, hồ sơ tốt. Cổ đông một năm còn được họp một lần và tiếp cận thông tin qua kênh đại chúng, còn trái chủ tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm, nếu không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư thì một ngày tin nhắn điện thoại không “ting ting” nữa sẽ không biết kêu ai.


Tác giả: Minh Minh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến