Dòng sự kiện:
Mức giá nào cho ước mơ 'đòi' sân Chi Lăng của người Đà Nẵng?
20/07/2018 12:01:08
Bán đi với giá 1.400 tỷ đồng, nhưng hiện tại, giá trị sân Chi Lăng đã gấp 4,5 lần. Để "đòi" được dự án này, Đà Nẵng sẽ phải bỏ ra số tiền khủng?

Sau kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7/2018 vừa qua, dư luận lại một dịp xôn xao khi ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố bày tỏ quyết tâm mong muốn lấy lại sân Chi Lăng để phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, xã hội.

“Thành phố không ủng hộ và không thể nào làm được khi 14 lô đất chia ra, trở thành 14 dự án, khu vực chia cắt tổng thể sân vận động Chi Lăng. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo các ngành chức năng sớm nhất và đây cũng là quyết tâm của TP.Đà Nẵng. Chúng ta phải chuẩn bị quyết tâm và nguồn lực để thương lượng với các cơ quan liên quan, nhằm lấy lại sân vận động Chi Lăng trong quá trình thi hành án”, ông Thơ nói.

 Giấc mơ một sân Chi Lăng không bị “băm nát” của người Đà Nẵng không dễ để thực hiện.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, để hiện thực hóa ước mơ đó, Đà Nẵng phải còn làm rất nhiều việc

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, sân Chi Lăng cùng 1 khu đất khác hiện là tang vật liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Thiên Thanh. Thời gian này, Cơ quan Thi hành án TP Đà Nẵng được ủy quyền từ TP HCM thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo vị này, tổng giá trị thi hành án của 2 địa điểm này lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Muồn thu hồi được theo như nguyện vọng, Đà Nẵng thậm chí phải trình lên Chính phủ xem xét.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói thêm rằng, sân vận động Chi Lăng trước đây gắn bó với nhiều người dân TP Đà Nẵng với cái tên “chảo lửa Chi Lăng”. Nguyện vọng của Đà Nẵng muốn lấy lại và UBND thành phố cũng đã họp, giao cho các sở, ban, ngành đề xuất tham mưu các ý kiến để làm sao sân vận động này được trở về với địa phương.

Ông Dũng cũng chưa trả lời được câu hỏi "đòi" lại sân Chi Lăng mất bao nhiều tiền, và nguồn tiền ấy sẽ lấy từ đâu. "Trước mắt, chúng ta cần có ý chí, còn kinh phí và mọi việc khác sẽ được bàn thảo và tính toán cụ thể”, ông Dũng nói.

Trước đó, tháng 10/2010, Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh (người vừa bị bộ Công an bắt) đã đồng ý bán sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp tỷ đô. Theo đó, nếu chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, đối với phần diện tích 55.061m2, thì được giảm 10% tiền sử dụng đất.

Cùng với đó, Đà Nẵng đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất vào ngân sách đối với diện tích 45.861m2.

Với phần diện tích phía Bắc và Nam khu đất 9.200m2, UBND.TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tập đoàn Thiên Thanh trong vòng 6 tháng, kể từ ngày nộp đủ tiền sử dụng đất. Đến tháng 1/2011, TP.Đà Nẵng đã hoàn tất thủ tục bán sân vận động Chi Lăng cho tập đoàn Thiên Thanh, với giá trị gần 1.400 tỷ đồng.

Tập đoàn Thiên Thanh sau đó đã tách khu sân vận động Chi Lăng thành 14 lô và giao quyền sử dụng đất cho 10 công ty của tập đoàn Thiên Thanh để huy động vốn 4.000 tỷ đồng thực hiện dự án. Tuy nhiên, tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh bất ngờ bị bắt để điều tra trong đại án Phạm Công Danh. Những tài sản nói trên trở thành tang vật vụ án.
 
Được biết, sân Chi Lăng không chỉ nổi danh từ việc đây là một sân vận động lâu đời của nền bóng đá Đà Nẵng, Việt Nam, mà còn là di tích gắn với nhiều thăng trầm của Đà Nẵng. Nơi đây, năm 1945, từng chứng sự ra mắt của UBND Cách mạng lâm thời Đà Nẵng trước hàng vạn đồng bào.
Nhâm Thân

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến