Dòng sự kiện:
Mức lương tối thiểu sẽ tăng trên 10% trong năm 2016?
05/07/2015 10:07:34
ANTT.VN - Theo ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động- Tổng LĐLĐ Việt Nam thì : “ Hiện nay tiền lương chỉ mới đáp ứng 60 % mức sống tối thiểu của người lao động. Do đó muốn đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thì phải tăng lương”.

Tin liên quan

Tuy nhiên việc này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phản ứng gay gắt, bởi trong bối cảnh chính sách của nước ta lại hạn chế số giờ làm thêm bên cạnh đó là những khoản phí mà DN phải chi trả như phí công đoàn, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp và nhiều khoản chi khác khiến DN gặp nhiều khó khăn và nếu tăng lương tối thiểu nữa thì khó khăn chồng chất… khó khăn. Do đó cần có những biện pháp cụ thể gắn với thực tế hơn để hài hòa được giữa nhu cầu của người lao động cũng như sự phát triển bền vững của DN.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, ngày 3/7 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội”.

Có một bất cập đang diễn ra đó là nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng phải thực hiện thang bảng lương cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho tất cả người lao động trong DN, nếu không sẽ bị phạt. Trong khi đó, Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định về lương tối thiểu năm 2015 chỉ yêu cầu doanh nghiệp trả lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu với lao động đã qua đào tạo. Chính sự không nhất quán giữa điều luật và cơ quan chức năng khiến DN thất thoát nhiều trong việc chi trả tiền lương.

Vấn đề khiến nhiều DN bức xúc nhất đó chính là áp trần giờ làm thêm. Có ý kiến cho rằng: “DN được phép làm thêm đến 200 giờ trong 1 năm trong trường hợp: xử lý sự cố sản xuất, giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn...” (tại Khoản 1, Điều 3, dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi) là chưa hợp lý.

Vì nó đi ngược lại so với quy định tại điểm b, khoản 2, điều 106, Luật Lao động và điều 4, NĐ 45/2013/NĐ-CP (không quy định về điều kiện làm thêm 200 giờ, chỉ quy định điều kiện làm thêm từ 200 - 300 giờ trong năm).

Các đại diện doanh nghiệp cho rằng, quy định về giới hạn làm thêm giờ 30 giờ/tháng, 300 giờ/năm của Việt Nam đang khắt khe hơn nhiều so với các nước, như Nhật Bản là 360 giờ/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng.

Chính sự khắt khe này giảm tính cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác, đặc biệt khi mà chúng ta đang gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do, bên cạnh đó khiến cho các ngành công nghiệp, chế tạo gặp khó khăn.

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI.

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI thì người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Người lao động và doanh nghiệp đang cùng đi trên một con thuyền. Doanh nghiệp đều hiểu người lao động là tài sản quý giá, hành động của doanh nghiệp cũng đều vì người lao động. Ông cũng chỉ trích gay gắt về việc một lãnh đạo trong đợt họp Quốc hội vừa qua phát biểu rằng tăng giờ làm việc tức là giới chủ bóc lột, doanh nghiệp tư nhân kết hợp người nông dân thì hợp tác xã sẽ bị tư nhân ăn hết.

Một số DN, đặc biệt là Tập đoàn Samsung mong muốn được tự thỏa thuận và thương lượng với công đoàn cơ sở cũng như người lao động để chủ động trong việc tăng ca tăng giờ làm, có như vậy mới phù hợp đặc thù và tiến độ công việc của từng DN.

Đồng quan điểm với vấn đề này Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân chia sẻ rằng không nên máy móc quá mọi quy định mà làm xơ cứng mối quan hệ giữa DN với người lao động, tùy theo đặc thù công việc và tiến độ từng thời vụ mà phía DN và người lao động nên linh động và thỏa thuận về việc tăng ca tăng giờ, điều này sẽ tăng năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh cho DN và song song với đó tăng thêm nguồn thu nhập chính đáng cho người lao động.

Theo kế hoạch thì tầm cuối tháng 7, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp và tháng 10 sẽ trình Chính phủ về mức tăng lương tối thiểu năm 2016. Về mức tăng lương năm tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân dự báo sẽ bằng với mức tăng của năm nay nhưng cơ bản chỉ trên 10%.

Dù vậy, hiện phương án tăng của người lao động và đại diện giới chủ trình lên đang vênh nhau rất lớn.

Hiện nay vấn đề tiền lương ở nước ta còn nhiều bất cập và nan giải khi mà mức lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống tối thiểu.

Trong năm 2015 có tới 235 cuộc ngưng việc chủ yếu đều có mục đích đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhiều cuộc phản đối quyết định tăng ca của chủ sử dụng lao động.

Những cuộc đình công này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của DN. Nếu không tăng lương thì DN sợ người lao động bỏ việc, mà nếu tăng thì không chịu nổi chi phí tăng thêm quá cao. Điều này khiến nhiều DN lao đao, thậm chí nhiều DN đã phải đóng cửa, một số doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch rút khỏi Việt Nam.

Trước những vấn đề này các cơ quan ban hành luật cần xem lại chuẩn “mức sống tối thiểu” để định tiền lương tối thiểu cho hợp lý. Nhiều năm qua, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lấy căn cứ mức sống tối thiểu do Viện Nghiên cứu công nhân và công đoàn tính toán, mức đề xuất tỷ lệ tăng hằng năm rất cao (từ 20-30%) để đạt mức sống tối thiểu vào năm 2018. Việc căn cứ này đã không để ý đến quyền lợi và thực tế phát triển của DN.

Để đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động mà vẫn đảm bảo được sự phát triển bền vững của DN thì cần tăng mức lương tối thiểu đối với người lao động và bên cạnh đó nới lỏng cơ chế quản lý đối với DN về vấn đề tăng ca tăng giờ làm thêm. Có như vậy DN mới đảm bảo được năng suất lao động và người lao động hài lòng với thu nhập đúng với công sức mình bỏ ra để chi trả cho cuộc sống. Áp lực này đề lên vai những cơ quan quản lý và ban hành luật pháp. Tuy nhiên để hài hòa được vấn đề này cần có một lộ trình cân nhắc, xem xét từ khâu trình Thủ tướng, quốc hội rồi mới đến ban hành và thực tế.

PV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến