Di dời trường đến cơ sở tạm thời
Mấy ngày nay, thầy trò trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông (Nghệ An) vẫn đang hì hục di chuyển đến “trường mới” để kịp bắt đầu năm học theo kế hoạch của ngành giáo dục.
Thầy Nguyễn Đình Nhung, Hiệu trưởng trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông lắc đầu cho biết: “Trường cũ không thể tiếp tục sử dụng để dạy học được nữa do bị ngập trong bùn đất. Để dọn dẹp sạch sẽ cần rất nhiều thời gian, vì vậy nhà trường đã báo cáo cho phòng GD&ĐT tìm chỗ tạm thời để di chuyển đến học trong năm học mới”.
Lũ chồng lũ khiến công tác dọn dẹp bùn đất vô cùng khó khăn.
Theo thầy Nhung, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước lũ thượng nguồn sông Lam dâng lên khiến ngôi trường này bị ngập sâu trên 2m. Sau khi lũ rút đi, một khối lượng bùn đất khổng lồ bao phủ lên khuôn viên trường. Nhìn khung cảnh tan hoang khiến thầy cô nào cũng xót xa ứa nước mắt, vì thế mọi người nhanh chóng bắt tay vào dọn dẹp.
Trước tình cảnh của thầy và trò, chính quyền địa phương cũng huy động hàng trăm người từ lực lượng bộ đội, công an, cán bộ và đoàn viên thanh niên đến chung tay dọn dẹp, đẩy bùn ra khỏi trường. Một khối lượng lớn sách vở của học sinh và thiết bị của nhà trường đã bị hư hỏng, thiệt hại vô cùng nặng nề.
Nhiều sách vở và thiết bị trường học chìm trong bùn đất.
Khi công việc đã gần xong thì vào ngày 31/8, thủy điện xả lũ lưu lượng lớn khiến nước sông Lam dâng cao, lại một lần nữa khiến trường phổ thông DTNT THCS Con Cuông ngập trong nước, bùn lầy. Toàn bộ học sinh phải sơ tán. Không còn cách nào khác, UBND huyện Con Cuông đã quyết định di dời trường đến nơi mới, để tạm thời dạy và học khi chờ nước rút.
Để giúp thầy trò nhà trường, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng đoàn thể, Ban chỉ huy Quân sự huyện Con Cuông điều 120 cán bộ chiến sĩ bộ đội cùng các phương tiện xe vận chuyển tham gia di dời toàn bộ tài sản, thiết bị. Tuy nhiên, việc này dự kiến cũng phải mất vài ngày nên nhiều khả năng kế hoạch khai giảng năm học 2018 - 2019 của trường phải chậm lại.
Ban chỉ huy Quân sự huyện Con Cuông giúp trường chuyển địa điểm.
Ông Lê Thanh An, trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết, do tình hình lũ lụt đang diễn biến phức tạp và trường nằm ở vị trí nguy hiểm nên buộc phải di dời đến nơi khác.
“Trước mắt phải mượn một số phòng của trường Dạy nghề và trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện (đóng tại thị trấn Con Cuông) để làm nơi dạy học tạm thời cho thầy trò. Phòng học thì tạm ổn, điều lo lắng nhất chính là nơi ăn ngủ của học sinh, vì 100% học sinh đều ở nội trú”, ông An nói.
Năm học 2018 - 2019, nhà trường có 300 học sinh, trong đó có 75 học sinh khối 6 vào nhập học. Đặc biệt, trường dành cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.
Cầu đến trường bị cắt đứt, hàng trăm học sinh phải ở nhờ
Ông Hoàng Sỹ Kiện, Phó Bí thư Huyện ủy Con Cuông, tỉnh Nghệ An cho biết, nước sông Lam chảy xiết, dữ dội khiến cầu Chôm Lôm bị đứt đường dẫn lên cầu cùng với 1 mố cầu. Theo đó, vào khoảng 6h45 ngày 1/9, cầu Chôm Lôm bắc qua sông Lam tại địa phận bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông đã bị đứt gãy một mố cầu phía Nam, gần Quốc lộ 7. Vết đứt dài khoảng 6m. Phần mố cầu gãy đã bị nước cuốn trôi.
Cầu Chôm Lôm bị đứt gãy mố cầu.
Cầu treo Chôm Lôm được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2007, sau vụ chìm đò thảm khốc mùa lũ năm 2006 tại bến Chôm Lôm cướp đi sinh mạng 19 em học sinh trường THCS Lạng Khê. Đây là chiếc cầu tình thương được xây dựng nhờ sự chung tay đóng góp của đồng bào cả nước. Công trình cầu Chôm Lôm do sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, dài 178,4m, rộng 2,28m, đặt cách bến đò 130m về phía thượng lưu, tổng mức đầu tư là 5,9 tỷ đồng.
Sự cố lần này khiến cho gần 200 học sinh nhà ở 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hòa của xã Lạng Khê không thể đến trường. Bởi dù các cơ quan chức năng đang nỗ lực nối cầu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xong. Con đường duy nhất là đi vòng khoảng 20km ngược lên xã Tam Quang, huyện Tương Dương qua cầu khe Bố để qua sông.
Chính quyền địa phương huy động lực lượng, máy móc, phương tiện nối cầu Chôm Lôm.
Thầy Phạm Quốc Hoàng, Hiệu trưởng trường THCS Lạng Khê cho hay: “Đường vòng thì xa, các em còn nhỏ nên bắt buộc phải ở lại, tập trung chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên trường không đủ khả năng để sắp xếp ăn ở, sinh hoạt vệ sinh, tắm rửa cho số lượng học sinh lớn như thế. Nên chúng tôi đã bàn với phụ huynh và báo cáo với UBND xã để các em ở trọ, nhờ nhà người quen hoặc họ hàng để đi học”.
Theo thống kê tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, tính đến chiều 3/9, do ảnh hưởng của trận lũ đã khiến 239 nhà bị ngập, trong đó 5 nhà bị sập, 10 nhà bị cuốn trôi, 37 nhà phải di dời khẩn cấp; Cầu treo dân sinh Cửa Rào 2 cũng bị ngập, hư hỏng; Có 3 điểm trường, 1 trụ sở UBND xã, 1 trạm xá, 1 bưu cục bị ngập nặng. Trước mắt, huyện Tương Dương đề nghị tỉnh Nghệ An hỗ trợ di dời khẩn cấp 34 hộ thuộc lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn và trường THCS bán trú xã Yên Tĩnh. Tại huyện Con Cuông, lũ làm sạt lở mố cầu treo Chôm Lôm, thiệt hại khoảng hơn 3 tỷ đồng; Huyện cũng đang đề nghị di dời khẩn cấp 2 trường học là: Tiểu học 2 Bồng Khê và trường THCS nội trú huyện. Trận bão lũ đã làm 6 người ở huyện Kỳ Sơn chết và mất tích. Thi thể cuối cùng mới được tìm thấy vào ngày 2/9. |
NĐT
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy