Dòng sự kiện:
Mỹ đấu giá SVB
13/03/2023 10:16:40
Sau vụ sụp đổ lớn thứ 2 trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ, cơ quan quản lý đang gấp rút bán tài sản của SVB để hoàn trả tiền gửi không được bảo hiểm cho khách hàng.

Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã bắt đầu quá trình đấu giá Silicon Valley Bank vào ngày 12/3. Nguồn tin của Bloomberg cho biết giá thầu cuối cùng sẽ được đưa ra trong chiều 13/3 (giờ Mỹ).

Nguồn tin này cho biết FDIC đang hướng tới một thỏa thuận nhanh chóng. Nhưng hiện các bên vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và có thể không đạt được thỏa thuận nào.

SVB là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vào ngày 8/3, SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo bán 21 tỷ USD chứng khoán từ danh mục đầu tư và gánh lỗ 1,8 tỷ USD. Ngân hàng này cũng bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để huy động thêm tiền.

Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch.

SVB bị giao lại cho FDIC. Cơ quan này sau đó sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả tiền cho người gửi và chủ nợ của SVB.

FDIC cho biết đã thành lập một ngân hàng mới để thu giữ tài sản của SVB, Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara. Theo cơ quan này, đối với những khoản tiền gửi được bảo hiểm - từ 250.000 USD trở xuống, khách hàng có thể lấy lại 100% vào ngày 14/3.

FDIC cũng đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng. Đáng nói, phần lớn tiền gửi tại nhà băng này không được bảo hiểm. Tính đến ngày 31/12/2022, tỷ lệ này lên tới 93%.

Đa số tiền gửi tại SVB không được bảo hiểm. Ảnh: Bloomberg.

SVB là ngân hàng niêm yết duy nhất tập trung vào Thung lũng Silicon và các dự án công nghệ mới. Nhà băng này đóng vai trò quan trọng trong giới startup Mỹ.

Trước đó, trong thời kỳ đại dịch, SVB gặp phải một vấn đề mà những đối thủ khác phải ganh tị. Đó là các khách hàng của ngân hàng này đổ xô gửi tiền.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Để so sánh, mức tăng của JPMorgan và First Republic Bank lần lượt là 24% và 36,5%.

"Tôi luôn nói với mọi người rằng mình tự tin được điều hành ngân hàng tốt nhất thế giới và có thể là một trong những giám đốc điều hành tốt nhất", ông Becker khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg TV vào tháng 5/2021.

Khi được hỏi về tính bền vững của đà tăng trưởng, vị CEO khẳng định SVB đang ở trung tâm của một nền kinh tế đổi mới. Nhưng mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Với tổng tài sản 209 tỷ USD, SVB là ngân hàng được bảo hiểm liên bang lớn thứ 2 phải đóng cửa tại Mỹ. Đáng nói, thay vì đợi thị trường chứng khoán đóng cửa như thường lệ nhằm giảm thiểu thiệt hại, FDIC hành động ngay trong phiên giao dịch hôm 10/3.

Sự sụp đổ diễn ra chóng vánh trong ngày 10/3. SVB từ bỏ kế hoạch huy động thêm tiền sau khi cổ phiếu bốc hơi 60% giá trị.

Tác giả: Thảo My

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến