Tin liên quan
Lãi suất cơ bản và quy định pháp luật về tội cho vay nặng lãi
Điều 476 Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Trần lãi suất 150% so với lãi suất cơ bản được áp dụng từ 2005, với mục đích chống cho vay nặng lãi, bảo đảm quyền lợi của bên đi vay. Như vậy, theo quy định trên của Bộ luật Dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Pháp luật về ngân hàng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là hoạt động vay vốn và cho vay. Thế nhưng, pháp luật lại không có quy định về hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng, không xác định được ranh giới để phân biệt giữa hoạt động vay vốn hợp pháp và bất hợp pháp ở ngoài ngân hàng.
Trên thực tế, không phải hoạt động cho vay dân sự nào cũng là bất hợp pháp. Nếu theo đúng quy định, lãi suất cho vay dân sự không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Nếu chiểu theo quy định này thì gần như 100% các hợp đồng vay tiền ở ngoài ngân hàng đều phạm luật. Và chỉ khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện thì cơ quan tài phán mới xem xét lãi suất của các hợp đồng vay đã phù hợp với quy định hay chưa. Pháp luật hành chính cũng không có quy định xử phạt với những trường hợp cho vay có lãi suất vượt quá giới hạn Bộ luật Dân sự quy định.
Bộ luật Hình sự có một điều luật về tội cho vay nặng lãi, Điều 163 quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì phạm tội cho vay nặng lãi. Như vậy có thể hiểu, quá 1,5 lần theo Bộ Luật Dân sự là cho vay nặng lãi, nhưng phải quá 10 lần thì mới bị truy tố.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” và hưởng lợi bất chính bao nhiêu thì mới bị coi là cho vay lãi nặng… Không những thế, việc xác định “mức lãi suất cao nhất” không hề dễ dàng và còn tùy thuộc vào chính sách điều hành cụ thể của Ngân hàng Nhà nước trong từng giai đoạn. Chính những quy định pháp luật chưa thống nhất và nhiều điều luật trong các bộ luật chưa theo kịp những biến động đời sống vì vậy, dịp sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với Hiến pháp 2014 là cơ hội để các điều luật đi vào đời sống.
Ảnh minh hoạ.
Sẽ nâng trần lãi suất cho vay?
Trong lần sửa đổi này, ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đề xuất quy định mới, tại Điều 491, là trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Hiện có hai luồng quan điểm trái chiều. Những người đồng tình thì cho rằng, việc quy định mức lãi suất trần dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là để tạo ra sự thống nhất về xác định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi, phù hợp với tình hình phát triển năng động của nền kinh tế.
Trong khi đó, số khác đề nghị chỉ nên quy định một mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự, không sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu, đồng thời quy định nguyên tắc, thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể này khi cần thiết, bởi vì theo thông lệ, lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Lãi suất này không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không. Do đó, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp, sẽ gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự trên thực tế.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định theo hướng tỷ lệ lãi suất giới hạn không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là hợp lý. Vì, tỷ lệ này sẽ dễ ứng dụng trong thực tế cho người đi vay và đảm bảo an toàn cho người đi vay để tránh vay nặng lãi. Nếu việc cho vay vi phạm vượt quy định lãi suất giới hạn thì cần chế định hình sự xử lý.
Tuy nhiên theo TS. Phạm Công (Đại học KT TP. HCM) thì sửa đổi như vậy sẽ không phù hợp với thực tiễn. Đã 4 năm nay, mặc dù có rất nhiều biến động lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng không thay đổi lãi suất cơ bản, nói cho đúng, lãi suất cơ bản đã không được công bố từ nhiều năm.
Vì vậy, một điều luật lại căn cứ vào một mức điều chỉnh của một cơ quan chức năng không thường xuyên công bố là không hợp lý. Và nếu mức lãi suất cho vay không quy định trần cụ thể, không có một chế tài hình sự đi cùng thì cũng không ngăn chặn được tội phạm tín dụng đen, tệ nạn cho vay nặng lãi. Vì vậy, Bộ luật Dân sự sửa đổi cần quy định một trần cụ thể: Ví dụ cho vay với lãi suất quá 30%/năm là cho vay nặng lãi và phải bị truy tố chẳng hạn. Có như vậy các chủ nợ mới có thể biết giới hạn để tự điều chỉnh lãi suất cho vay của mình, không cần trông chờ vào lãi suất cơ bản do NHNN công bố. Việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật Dân sự sẽ đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.
Có chống được tội phạm tín dụng đen?
Liên tiếp các vụ đổ vỡ “tín dụng đen” xảy ra gần đây đã đẩy nhiều người dân vào cảnh khuynh gia bại sản và ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn xã hội. Các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp và quyết tâm trong đấu tranh với loại tội phạm này. Dù tín dụng đen được nhắc đến thường xuyên, nhưng đáng ngạc nhiên là khó tìm thấy một định nghĩa hay ranh giới phân biệt tín dụng đen và cho vay dân sự thông thường.
Trên thực tế, nhu cầu vay dân sự là nhu cầu chính đáng của người dân. Do vậy khi đi vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng những người có nhu cầu sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hơn so với việc vay tại tín dụng đen. Thực tế, khi vay vốn ở các cơ sở hoạt động hợp pháp thì phải có bộ hồ sơ, có tài sản thế chấp. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng, tổ chức tín dụng yêu cầu có cả dự án để đánh giá tính khả thi của hoạt động kinh doanh. Nhưng vay vốn của tín dụng đen thì không phải thực hiện các thủ tục đó, cũng như linh hoạt về cả thời hạn cho vay, số tiền vay, kể cả mức lãi. Những điều đó trong nhiều trường hợp lại đáp ứng được công việc rất đặc thù của những người buôn bán nhỏ, tiểu thương ở trong các chợ.
Như vậy, không phải người kinh doanh người ta thích tìm đến loại hình vay vốn này, mà là vay như vậy tiện hơn, trong một số trường hợp mang chữ tín thôi. Song từ chữ tín này dẫn tới cái chuyện lợi dụng huy động sau đó là không trả được nợ, vỡ nợ như đã xảy ra và sau đó để đòi được tài sản hoặc trốn tránh, chiếm đoạt tài sản...đã dẫn đến những vụ án hình sự nghiêm trọng.
Mặt khác, chế tài xử phạt tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen chưa nghiêm, không đủ sức răn đe. Nguyên nhân chính là do các điều luật chưa thống nhất trong xử lý tội phạm này. Có thể ví dụ, về bản chất, việc đi vay, mượn tài sản là một quan hệ dân sự giữa các chủ thể. Họ có quyền thỏa thuận với nhau về các vấn đề mà theo họ là hợp lý và pháp luật không cấm. Một chủ thể bình thường có thỏa thuận vay tài sản với mức lãi suất cao hơn mức quy định pháp luật và họ chấp nhận điều đó; còn bên cho vay thì không phải là người chuyên cho đi vay, họ thấy lãi suất cao nên đồng ý. Nếu chỉ vì như thế mà cũng truy cứu trách nhiệm hình sự với người cho vay thì có dấu hiệu “hình sự hóa” quan hệ dân sự.
Giữa người cho vay lãi suất cao bình thường với người cho vay lãi suất cao có tính chất bóc lột có sự khác nhau hoàn toàn. Người cho vay có tính chất bóc lột thường đi kèm với các thủ đoạn ép buộc người khác chấp nhận lãi suất, làm gia đình họ tán gia bại sản, lệ thuộc vào mình; còn người cho vay bình thường dựa trên thỏa thuận nhất trí giữa hai bên…Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một quy định, một hướng dẫn nào cụ thể để xác định thế nào là bóc lột.
Vì vậy để chống tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cùng với việc sửa đổi Bộ luật Dân sự cũng cần sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự. Và cần thiết hơn cả, chính là xây dựng một thị trường tài chính đáp ứng mọi nhu cầu xã hội, dân sinh, để những người có nhu cầu có thể tìm được một nơi có thể cung cấp dịch vụ cho mình.
Nên đọc
Theo An ninh Thủ đô
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy