Tân Chủ tịch EVN và những lần phát ngôn gây 'bão'
02/02/2015 10:49:47
ANTT.VN – Trước khi được kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), ông Phạm Lê Thanh đã không ít lần có những phát ngôn “hớ hênh” trước báo chí khiến cả tập đoàn không ít lần "điêu đứng" ...

Tin liên quan

Đau lòng vì mức lương trung bình 7,3 triệu đồng/tháng của lao động EVN

Hồi tháng 11/2011, Tổng giám đốc EVN – Phạm Lê Thanh đã cung cấp thông tin với Vneconomy về mức lương trung bình của lao động tại tập đoàn này.

Theo lãnh đạo EVN, lương bình quân năm 2009 của cán bộ, nhân viên toàn tập đoàn là 7,3 triệu đồng/tháng/người. Riêng năm 2010, lãnh đạo EVN không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương.

Trước thông tin cho rằng, dù kêu lỗ nhưng lương của lãnh đạo ở EVN vẫn rất cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng/tháng.

“Đây là mức tương đối thấp, nếu ở nông thôn có thể được, còn nếu ở thành thị thì không thể sống được. Là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó”, ông Thanh nói.

Câu nói “rất đau lòng” của ông Thanh xét về người lãnh đạo, đó là bày tỏ sự lo lắng với đời sống của cán bộ, nhân viên toàn ngành điện. Nhưng trong tư duy, quan niệm của một tổng giám đốc, việc ông nói rằng “ở thành thị không thể sống được” cho thấy rất nhiều vấn đề. Ít nhất, là đối với lương của chính ông Phạm Lê Thanh, với hệ số cao nhất 8,2 như quy định tại Nghị định 205 của Chính phủ thì rõ ràng, lương của ông tại thời điểm đó còn chưa đạt 7,3 triệu đồng. Hiển nhiên, với mức lương đó ông Thanh cũng “không thể sống được”. Vậy ông Thanh sống bằng gì và dựa vào nguồn nào mà vẫn sống được?

Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo cấp cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, bản thân ông không muốn bình luận thêm về mức lương 7,3 triệu đồng, song theo ông, cần có cái nhìn công tâm hơn về ngành điện, một trong những ngành xương sống của đất nước.

Vị này khẳng định, điện thuộc ngành công nghiệp nặng, có chứa nhiều rủi ro về an toàn lao động song mức lương tập đoàn vẫn tính theo ngạch Nhà nước.  Theo ông, cán bộ ngành điện lực rất vất vả, thường trực đối mặt với hiểm nguy đó là chưa kể chỉ cần sơ suất là có thể mất mạng.

Bình luận về việc này chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bà cảm thấy ngạc nhiên vì thời điểm năm 2009, mức lương bình quân của nhân viên ngành điện đã lên tới 7,3 triệu đồng. Bản thân bà Lan đã chứng kiến nhiều người làm ở đơn vị Nhà nước làm 40 năm lương cũng chỉ 4-5 triệu đồng và vẫn sống đủ. Thậm chí kỹ sư bác sỹ cũng chỉ bằng một nửa mức lương của EVN. Do đó, quan điểm của lãnh đạo EVN "7,3 triệu không thể sống được ở thành thị" là ước nguyện quá cao.

EVN có tới 67 nghìn lao động làm công việc "ghi chữ, thu tiền"

Thông tin 67 nghìn cán bộ điện chỉ làm công tác đọc số, thu tiền là do ông Phạm Lê Thanh phát biểu hôm 2/10/2014 khi báo cáo Thủ tướng tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương về vấn đề năng suất lao động trong ngành.

Mặc dù chủ tịch EVN thừa nhận, năng suất lao động tại EVN hiện vẫn còn “quá thấp”. Tính chung, năng suất lao động ngành điện Việt Nam chưa bằng một nửa Thái Lan, bằng 3/4 Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore. Ông cũng cho biết “Ngành điện phấn đấu tới năm 2020 năng suất lao động sẽ ngang bằng với Thái Lan, Malaysia”.

Ngay sau khi Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh phát ngôn “hớ” về số lượng 67.000 lao động chỉ “đọc số, thu tiền”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã lập tức lên tiếng đính chính.

Theo đó, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 5 Tổng công ty Điện lực gồm: Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực Miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Trong đó, tổng số cán bộ công nhân viên của EVN, làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng, như cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lý sự cố…  là 67.000 người, chứ không phải 67.000 người chỉ đi đọc số, thu tiền điện như Tổng giám đốc EVN đã thông tin.

EVN nhấn mạnh "Công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tại các Tổng công ty Điện lực"

Tuy nhiên, số lượng cán bộ chuyên ghi chữ, thu tiền hiện nay trên cả nước là bao nhiêu thì vẫn được EVN giấu nhẹm, chưa cho biết cụ thể.
 

Diệu Ly (tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến