Dòng sự kiện:
Nga có thể bán dầu giá rẻ cho châu Á
26/08/2022 13:33:38
Nga muốn giảm giá dầu để thu hút các khách hàng mới tại châu Á. Động thái này có thể cản trở kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga của các nước phương Tây.

Bloomberg trích lời quan chức phương Tây cho biết Nga có thể giảm giá tới 30% trong các hợp đồng dầu dài hạn với một số nước châu Á. Động thái này diễn ra khi giới chức Mỹ đang đẩy mạnh kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga.

Nga cũng đang cố thu hút thêm khách hàng mới để thay thế châu Âu.

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno, cho biết Nga đang đề xuất bán dầu "với giá thấp hơn 30% mức giá trên thị trường thế giới".

Nga đang tìm kiếm các khách hàng mới để chuyển hướng dòng chảy dầu từ châu Âu sang châu Á. Ảnh: Reuters.

Tìm kiếm khách hàng mới

Ông Sandiaga Uno cho biết Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang cân nhắc đề nghị này. "Nhưng cũng có những ý kiến phản đối. Một số người cho rằng chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ", vị bộ trưởng nói thêm.

Vòng trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) gồm lệnh cấm nhập dầu, cung cấp dịch vụ bảo hiểm và tài chính cho tàu chở dầu Nga. Lệnh này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ lo ngại điều này có thể khiến giá dầu tăng cao, từ đó đem về lợi nhuận đáng kể cho Nga.

Một số quốc gia châu Âu đã ủng hộ kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga. Theo đó, lệnh cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho dầu Nga sẽ được loại bỏ nếu giá mua ở dưới mức trần. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ phát huy tác dụng khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý tham gia.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các nước G7 đang thảo luận nghiêm túc về đề xuất này. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự ủng hộ của những quốc gia khác.

"Chúng tôi đang nỗ lực để triển khai kế hoạch này", ông Scholz khẳng định. Tuy nhiên, ông thừa nhận kế hoạch sẽ khó thành công nếu chỉ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia G7. "Chúng tôi cần thêm những đối tác khác", vị thủ tướng nhấn mạnh.

Kế hoạch áp giá trần đối với dầu Nga chỉ phát huy tác dụng khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đồng ý tham gia. Ảnh: Reuters.

Hiện chưa rõ lập trường của các nước châu Á về kế hoạch này. Tuy nhiên, rất ít quốc gia công khai ủng hộ.

Theo nguồn tin của Bloomberg, Ấn Độ vẫn do dự trong việc tham gia kế hoạch. Bởi các ngành công nghiệp của nước này có thể bỏ lỡ cơ hội mua dầu Nga giá rẻ.

Kể từ khi Nga đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã đẩy mạnh mua dầu Nga để tận dụng mức giảm giá lớn.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh mua vào năng lượng của Nga. Kể từ khi xung đột tại Ukraine nổ ra, Bắc Kinh đã mua tổng cộng 35 tỷ USD dầu thô, các sản phẩm từ dầu, khí đốt tự nhiên và than đá từ Nga. Cách đây một năm, con số chỉ là 20 tỷ USD.

Trong tháng 7, Bắc Kinh nhập khẩu 7,15 triệu tấn dầu thô từ Nga, thấp hơn tháng trước, nhưng vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2021. Nga cũng là nguồn cung hàng đầu cho các nhà máy lọc dầu ở đất nước 1,4 tỷ dân.

Nỗ lực áp giá trần

Tuần này, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo sẽ có chuyến thăm tới Ấn Độ để gặp gỡ các quan chức và doanh nhân trong ngành tài chính, năng lượng. Những cuộc thảo luận sẽ xoay quanh vấn đề an ninh năng lượng, tài chính khí hậu và công nghệ năng lượng sạch.

Ông Adeyemo cho biết liên minh muốn áp giá trần đối với dầu Nga đang ngày càng mở rộng.

Câu trả lời không phải chỉ là có hoặc không. Càng nhiều quốc gia tham gia liên minh, kế hoạch càng phát huy nhiều tác dụng

Ông Jason Bordoff - đồng sáng lập Columbia Climate School

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, việc áp giá trần có thể khiến Điện Kremlin mất đi nguồn thu quan trọng, đồng thời giữ giá ở mức thấp khi lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Phía Washington cũng muốn thực hiện kế hoạch này trước khi các lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào tháng 12.

Quan chức G7 vẫn đang thảo luận về chi tiết kế hoạch. Những người ủng hộ cho rằng ngay cả khi các nước lớn không chính thức tham gia liên minh, nguồn thu của Moscow vẫn sẽ giảm xuống. Bởi bên mua sẽ có lợi thế hơn khi đàm phán với Nga.

"Câu trả lời không phải chỉ là có hoặc không. Càng nhiều quốc gia tham gia liên minh, kế hoạch càng phát huy nhiều tác dụng", ông Jason Bordoff - đồng sáng lập Columbia Climate School - bình luận.

Câu hỏi đặt ra là phương Tây sẽ áp giá trần ở mức nào. Theo nguồn tin của Bloomberg, các quan chức Mỹ muốn đưa ra ngưỡng trần dựa trên chi phí sản xuất của Nga. Tuy nhiên, con số cuối cùng có thể phụ thuộc vào giá dầu toàn cầu vào thời điểm đó.

Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến