Tại tỉnh Kharkov, có một số thị trấn mà Ukraine không thể chấp nhận đánh mất vào tay quân đội Nga. Thị trấn chiến lược Lyptsi nằm trong số đó.
Nhưng để đạt được mục tiêu giữ vững các thị trấn như thế này, cái giá mà Ukraine phải trả là rất lớn. Các con phố tại đây bùng cháy do các cuộc không kích của phía Nga. Bóng đêm giúp thị trấn Lyptsi giảm bớt cường độ hứng chịu tấn công. Vào thời điểm nhóm phóng viên CNN tới đây, nơi này đã bị oanh tạc tới 8 lần.
Pháo tự hành Nga nhả đạn đồng loạt. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Lý do Nga quyết đánh chiếm bằng được Lyptsi
Sức ép dồn lên vai các binh lính thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia Khartiia số 13 của Ukraine.
Những đòn đánh liên tiếp của Nga vào đây có một mục tiêu chính: Nếu chiếm được Lyptsi, họ sẽ có khả năng đưa thành phố Kharkov (thành phố lớn thứ 2 của Ukraine) vào tầm bắn của trọng pháo.
Chui xuống một boong-ke, viên chỉ huy Oleksandr của Ukraine quan sát thông tin, hình ảnh từ nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) và nói: “Các anh đã tận mắt chứng kiến mọi thứ bốc cháy như thế nào rồi đấy. Chuyện này xảy ra mỗi đêm”.
Lính của Oleksandr là những quân nhân Ukraine đầu tiên đối chọi với mũi tiên phong của Nga tiến vào tỉnh Kharkov cách đây gần 2 tuần. Ông nói, họ phải chiến đấu với các binh sĩ chuyên nghiệp được huấn luyện kỹ càng của đối phương. “Chúng tôi nhận ra điều đó thông qua vũ khí khí tài và chiến thuật của họ. Đối phương không tùy tiện quăng đại ai đó vào trận chiến lần này”.
Oleksandr nhìn trân trân khi được hỏi là trước cuộc tấn công đột ngột của Nga, phía Ukraine đã chuẩn bị sẵn những hệ thống phòng ngự kiên cố nào chưa. Ông trả lời: “Không có thứ gì được chuẩn bị sẵn ở đây cả. Tất cả các vị trí phòng thủ đều do tự tay lính bộ binh xây nên”.
Trong khi đó, bên ngoài vẫn rung chuyển vì các loạt nổ lớn. Oleksandr nói tiếp: “Ba tuần trước, dân thường vẫn còn sống ở đây. Giờ đây, hầu hết nhà cửa đã thành đống đổ nát”.
Khi nhóm phóng viên rời khỏi đây, có tiếng UAV vù vù khá to ngay sát trên đầu. Quân nhân Ukraine phụ trách hộ tống nhóm này không tỏ ra run sợ. Khi được hỏi liệu đây có phải là UAV cùng phe của Ukraine hay không, anh ta trả lời: “Tôi không thể biết được”.
Ukraine gồng mình chống trả trong thế bất lợi
Quanh thành phố Kharkov, với dân số khoảng một triệu người, các lực lượng Ukraine đang phải gồng mình chống đỡ cuộc tiến công của quân Nga từ nhiều hướng. Các đơn vị phải cố thủ tại các vị trí với rủi ro cao. Đôi lúc họ phải dùng những cỗ pháo cũ kỹ và khan hiếm của mình để đẩy lui lực lượng Nga được trang bị tốt hơn.
Tại một vị trí nằm sát hơn với biên giới Nga, Lữ đoàn xung kích số 92 của Ukraine đã cho phóng viên CNN trực tiếp xem một khẩu pháo Nga bị họ thu giữ vào hồi đầu xung đột Nga - Ukraine, mà hiện tại Ukraine đang sử dụng để bắn đạn cối Pháp. Cỗ pháo này được che giấu một phần bằng lưới thép nhằm bảo vệ nó trước một cuộc tấn công bằng UAV. Nhưng liền lúc đó một UAV trinh sát lạ bắt đầu bay lơ lửng phía trên, buộc khẩu đội này phải chạy nhanh xuống hầm.
Một đơn vị khác buộc phải sử dụng một khẩu pháo do Liên Xô sản xuất vào thập niên 1940. Pháo ẩn mình trong lớp lá ngụy trang dày, kim loại của nó đã gỉ sét chỗ này chỗ kia, giới hạn tần suất sử dụng pháo này cho nhiệm vụ bắn phá mục tiêu. Artun - chỉ huy của đơn vị, sử dụng những quả đạn pháo mới của Ba Lan nhưng chỉ được bắn 10 phát mỗi ngày, trong khi vào mùa thu trước đó, họ bắn tới 100 phát mỗi ngày.
Artun thừa nhận: UAV thực sự là một “vấn đề lớn”. “Tôi có mảnh vỡ găm vào người làm kỷ niệm” - Artun bông đùa khi đề cập các mảnh vỡ từ một UAV cảm tử Lancet của Nga vẫn còn nằm trong tay và bụng của anh ta mà bác sĩ không gỡ ra được. Artun cho biết thêm, dẫu vậy, “vẫn có những hành động nhất định giúp bạn thoát được UAV đối phương”.
Thiết bị quét tần số trị giá 30 USD gửi cảnh báo tới Artun về một chiếc UAV Orlan khác của Nga đang bay tới. Artun vội chui xuống hầm. Anh ta sau đó ngước nhìn lên bầu trời và nhận thấy UAV kia đã bay qua chỗ này.
Thành phần trong đơn vị pháo binh của Artun đa dạng, cho thấy rõ những thách thức về nhân lực mà Ukraine đối diện trong năm thứ 3 của xung đột vũ trang với Nga. Một số là lính bộ binh bị thương chuyển sang đây. Số khác già hơn, và có một người mới gia nhập pháo binh được một ngày.
Sau gần 2 năm chiến sự, người dân Kharkov tin rằng mối đe dọa của xung đột đã qua đi. Sau cuộc rút lui chớp nhoáng của Nga vào cuối năm 2022, tỉnh Kharkov yên bình trở lại và trở thành bàn đạp để thực hiện các vụ tấn công xuyên biên giới vào sâu lãnh thổ của Nga.
Tuy nhiên các cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía ngoài thành phố vẫn làm cho cư dân đô thị Kharkov thức giấc trong đêm với những tiếng nổ lớn. Khi Nga đang dần đưa đô thị này vào tầm bắn của pháo binh thì tâm lý của người dân thành phố Kharkov càng bất an. Bầu trời đêm rực sáng vì pháo sáng, hỏa lực cao xạ và những vụ nổ do UAV, rocket và bom Nga.
Hôm 22/5, giới chức thành phố Kharkov thông báo có một vụ tấn công vào trạm xăng, khiến 4 người phải nhập viện. Hai quả tên lửa cách nhau khoảng 10 phút đã lao vào trạm này.
Tác giả: Trung Hiếu/Theo CNN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy