Dòng sự kiện:
Ngân hàng 'đau đầu' với nợ xấu tăng trong quý I/2020
22/04/2020 09:59:18
Khó thu hồi các khoản vay với những doanh nghiệp có sức chống chịu kém trước dịch bệnh, nợ xấu nhiều ngân hàng tăng trong quý I năm nay. Song, việc xử lý tài sản đảm bảo và nợ tại VAMC cũng chậm lại.

Tính đến sáng nay (22/4), đã có hơn 10 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2020. Trong khi năm ngoái tăng đồng đều, bức tranh lợi nhuận quý I/2020 lại rất nhiều màu sắc, có ngân hàng tăng trưởng âm, có ngân hàng tăng nhẹ, cũng có ngân hàng tăng theo cấp số nhân. Song về nợ xấu, phần lớn những ngân hàng này có nợ xấu tăng.

Kể đến đầu tiên phải là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), nợ xấu của ngân hàng bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần. Theo đó, Kienlongbank từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%. Nhóm nợ xấu tăng mạnh nhất là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) từ mức 238 tỷ đồng cuối năm 2019 tăng lên 2.126 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.

Theo Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn là 2.126 tỷ đồng tại ngày 31/3, bao gồm 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.

Ngoài ra, trong số dư nợ đủ tiêu chuẩn tại ngày 31/3 có 124,7 tỷ đồng dư nợ cho vay các khách hàng với mục đích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cấu một lần theo quy định của Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Thông tư 10 của NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 55.

Được biết, đối với khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng chính là cổ phiếu của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Hiện Kienlongbank đang rao bán lần 4 với trên 176,3 triệu cổ phần STB, mức giá khởi điểm đã giảm còn 17.496 đồng/cổ phần so với mức giá 24.000 đồng/cổ

Ngân hàng "đau đầu" với nợ xấu tăng trong quý I/2020. (Ảnh minh hoạ)

Một ngân hàng khác có nợ xấu tăng khá mạnh là TPBank. Tại ngày 31/3, tổng nợ xấu của nhà băng này tăng 53% so với đầu năm lên mức 1,884 tỷ đồng, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 61%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 64% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 36%. Trong khi cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 5%, do đó tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng lên 1.87% so với mức 1.29% hồi đầu năm.

Còn Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Trong khi đó, những ngân hàng lớn cũng có nợ xấu tăng, nhưng không nhiều. Chẳng hạn, trong báo cáo tài chính quý I vừa công bố của Vietcombank cho thấy, nợ xấu cuối tháng 3/2020 tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm lên mức 5.191 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng, vẫn giữ quanh ngưỡng 0,8%, tương đương cuối năm 2019, tuy nhiên dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của nhà băng này tăng gần gấp đôi lên hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là những khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày.

Tương tự, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối quý I/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Đáng lưu ý, dường như hoạt động xử lý nợ của Sacombank đang chậm lại so với năm ngoái khi lãi từ hoạt động khác của ngân hàng sụt giảm mạnh 76,6% so với cùng kỳ, chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu tại VAMC cũng chưa có sự chuyển biến rõ rệt nào.

Ngoài những ngân hàng nói trên, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý I/2020, như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%,...

VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.

Nhìn chung, nợ xấu có tăng lên ở nhiều ngân hàng trong quý I/2020, tuy nhiên hầu hết mức tăng chưa phải là mạnh. Một phần cũng là nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho thấy, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp trụ được nửa năm. Điều này sẽ gây sức ép lên nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng. 

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng có báo cáo các giải pháp về tiền tệ, tín dụng ngân hàng. Thống đốc cũng lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của dịch bệnh.  

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, trường hợp dịch bệnh được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 1,9 - 3,2% vào cuối quý II và 2,6 - 3% vào cuối 2020.

Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. "Thậm chí, nợ xấu có thể cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém", báo cáo Ngân hàng Nhà nước nêu. 

Đánh giá sơ bộ của cơ quan này cho thấy khoảng 2 triệu tỷ đồng (23% dư nợ tín dụng) tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, một số ngành chịu ảnh hưởng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo 520.000 tỷ đồng (6,3% dư nợ nền kinh tế); nông, lâm, thuỷ sản khoảng 157.000 tỷ đồng; khai khoáng 45.000 tỷ...

Khánh Linh

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến