Dòng sự kiện:
Ngân hàng nào hút nhiều tiền gửi tiết kiệm nhất năm 2021?
12/02/2022 14:43:05
Tổng tiền gửi khách hàng của 15 ngân hàng đầu ngành tăng 10,3%, tương ứng 762.752 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, lượng lớn là tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Dòng vốn vào thị trường chứng khoán liên tiếp phá đỉnh, trong khi đó, tiền gửi vào các ngân hàng những tháng cuối năm có xu hướng giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, tổng tiền gửi khách hàng của 15 ngân hàng đầu ngành vẫn tăng so với năm trước.

Tiền gửi khách hàng vào "big 4" hơn 230 tỷ USD

Theo báo cáo các ngân hàng công bố, lượng tiền gửi của các ngân hàng khối tự doanh và tư nhân đều ghi nhận tăng trưởng so với năm 2020. Nhóm "big 4" tiếp tục dẫn đầu lượng tiền gửi ngân hàng năm 2021.

Đặc biệt, nhóm ngân hàng tự doanh đều ghi nhận lượng tiền gửi ngân hàng tên 1 triệu tỷ đồng. Dẫn đầu là Agribank với 1,56 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020. Vị trí thứ 2 thuộc về BIDV với hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 153.755 tỷ đồng so với năm 2020, tương ứng 12,5%.

Hai vị trí tiếp theo có sự hoán đổi giữa Vietcombank và Vietinbank. Năm 2020, vị trí thứ 3 thuộc về Vietcombank với 1,03 triệu tỷ đồng còn Vietinbank là 990.331 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2021 đã có sự bứt phá của Vietinbank khi tăng 17,3%, tương ứng 171.466 tỷ đồng lên 1,16 triệu tỷ đồng và là một trong những ngân hàng có mức tăng mạnh nhất. Vietcombank kết thúc năm 2021 ở vị trí thứ 4 với 1,13 triệu tỷ đồng. Dù giảm thứ hạng nhưng nhà băng này vẫn ghi nhận tăng 103.210 tỷ đồng, tương ứng gần 10% so với năm 2020.

Tổng tiền gửi khách hàng vào "big 4" lên tới hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương ứng 230 tỷ USD. Lượng tiền gửi của nhóm này đã tăng 11,2% so với năm liền trước, tương đương 528.431 tỷ đồng. Tiền gửi của nhóm tự doanh chiếm 64,4% tổng lượng tiền gửi của khách hàng 15 ngân hàng đầu ngành. Đáng chú ý, tiền gửi của ngân hàng thuộc "big 4" bỏ xa các ngân hàng tư nhân khi lượng tiền gửi lớn hơn 2 lần.

Ví trí thứ 5 không thay đổi so với năm 2021, thuộc về Sacombank với 427.387 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sacombank là ngân hàng duy nhất trong top 15 ghi nhận tiền gửi sụt giảm so với năm liền trước. Cụ thể, Sacombank đã giảm từ mức 427.972 tỷ đồng năm 2020 xuống 427.387 tỷ đồng năm 2021, tương ứng 585 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi tăng hai chữ số, tăng mạnh nhất là tại MB với mức tăng 23,7% lên 384.692 tỷ đồng, đưa ngân hàng vào top 6, vượt thứ hạng qua ACB với 379.921 tỷ đồng. Một số nhà băng có mức tăng trưởng cao phải kể đến như TPBank (20,4%) khi tăng từ 115.904 tỷ đồng lên 139.562 tỷ đồng, VIB (15,4%) khi tăng từ 150.349 tỷ đồng lên 173.565 tỷ đồng, Techcombank (13,4%) khi tăng từ 277.459 tỷ đồng lên 314.753 tỷ đồng và đứng ở vị trí thứ 9.

Như vậy, tổng tiền gửi khách hàng của 15 nhà băng dẫn đầu ngành lên đến 8,12 triệu tỷ đồng, tăng 10,3%, tương ứng 762.752 tỷ đồng so với năm 2020.

Tiền gửi dân cư giảm, tiền gửi tổ chức kinh tế tăng

Thực tế, dù lượng tiền gửi vào các ngân hàng tăng nhưng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 11/2021 là gần 5,2 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.400 tỷ đồng so với mức ghi nhận cuối tháng 10 liền trước.

Tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng có xu hướng chậm lại trong nhiều tháng gần đây và bắt đầu chững lại từ tháng 7/2021. Tháng 8, 9, 10 là 2 tháng liên tiếp ghi nhận lượng tiền gửi giảm so với tháng liền kề.

Thậm chí, nếu tính chung 11 tháng đầu năm 2021, tiền gửi của dân cư chỉ tăng gần 135.100 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 2,63%, mức tăng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tiền gửi cư dân vào các Ngân hàng hiện ở mức thấp nhất 10 năm trở lại đây.

Trái với tiền gửi cư dân, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng vẫn tăng hơn 153.200 tỷ đồng trong tháng 11. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, tiền gửi tổ chức tăng hơn 525.600 tỷ đồng, tương đương tăng 10,78%.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho rằng mức tăng thấp của lượng tiền gửi dân cư vào ngân hàng có thể được lý giải do hai nguyên nhân chính là lãi suất tiết kiệm ngày một thấp và thu nhập của nhiều người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Lãi suất ngân hàng năm 2021 ở mức thấp khiến người dân không còn mặn mà với gửi tiền vào ngân hàng như trước. Khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, người dân sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản…

Lãi suất huy động nóng dần năm 2022

Cuộc đua lãi suất huy động nóng dần kể từ thời điểm cuối năm 2021. Các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động 0,3-0,5%/năm so với cùng kỳ năm ngoái để hút tiền gửi trong dân ngay sau ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Ngay sau Tết, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nâng mức lãi suất cao nhất lên tới 12,4%/năm trong tháng đầu tiên, với kỳ hạn 12 tháng khi gửi tiết kiệm Prime Savings trên ngân hàng số VPBank Neo. Đây là mức lãi suất cao kỷ lục tại VPBank. Điều kiện khách hàng phải gửi tối thiểu là 10 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm tiết kiệm này chỉ áp dụng cho khách hàng chưa có tiền gửi online hoặc khách hàng mới trong vòng 3 tháng tính từ thời điểm gửi tiền.

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn 0,8%/năm so với gửi tại quầy. Theo bảng lãi suất mà MSB đang niêm yết, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 5,6% cho kỳ hạn 12 tháng; còn 5-5,3%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tiền gửi 0,2-0,5%/năm kể từ ngày 7/2/2022. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm với kỳ hạn 36 tháng; tiếp đến là mức 5,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Đối với VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm online cũng được cộng thêm 0,3-0,4%/năm so với gửi tại quầy và mức lãi suất áp dụng đầu xuân năm mới Nhâm Dần cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước 0,2 - 0,4/năm tùy theo kỳ hạn gửi.

Theo đó, lãi suất cao nhất 6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng. Còn khách hàng gửi kỳ hạn 9 tháng chỉ được nhận lãi suất 4,4%/năm.

Trước đó, SCB cũng tăng lãi suất huy động online 0,2% ở kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Eximbank tăng 0,1-0,3%/năm; OCB tăng 0,2%/năm. GPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ ngày 8/12/2021 ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3% so với tháng 11/2021 ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên.

4 ngân hàng "big 4" là Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank đồng loạt có mức lãi suất cao nhất là 5,5-5,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến