Dòng sự kiện:
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính
19/05/2020 18:25:38
Đây là lần thứ 5 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.

Sáng nay (19/5), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính Phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019.

Theo kết quả công bố Chỉ số CCHC năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đạt điểm cao nhất 95,4/100 điểm và tiếp tục xếp vị trí thứ nhất. Đây là lần thứ 5 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các Bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong 7 năm đánh giá CCHC theo chỉ số Par inex của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần trong Top 3 và liên tiếp 5 năm gần đây xếp vị trí dẫn đầu. 

Đứng thứ hai Chỉ số CCHC là Bộ Tài chính (với 94,77 điểm) và thứ ba là Bộ Tư pháp (90,12 điểm); Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đứng áp chót bảng xếp hạng.

Chỉ số CCHC năm 2019 thực hiện đối với 17 bộ, tập trung vào 2 nhóm điểm: Nhóm A đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90% gồm 3 đơn vị là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp;

Nhóm B đạt kết quả từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải.

Theo Bộ Nội vụ, đơn vị chủ trì thực hiện báo cáo Chỉ số CCHC, năm 2019 là năm đầu tiên đánh giá tiêu chí thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Kết quả cho thấy, có 15/17 bộ đạt tỷ lệ điểm số; Chỉ có Bộ Giao thông và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không đạt số điểm tại tiêu chí thành phần “Tỷ lệ TTHC thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại Bộ phận một cửa”.

"Kết quả Chỉ số thành phần tiếp tục cho thấy các bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nội dung công bố, công khai TTHC và Kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Tỷ lệ điểm số đánh giá tác động của cải cách TTHC qua điều tra xã hội học tuy có cao hơn năm 2018, tuy nhiên vẫn có giá trị dưới 80%. Tỷ lệ điểm số trung bình mà các bộ nhận được qua điều tra xã hội học là 76,28%". đại diện Bộ Nội vụ nêu rõ.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Công Thương)

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hướng đến sự hài lòng của người dân, mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh 6 lĩnh vực CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng; Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện và thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng.

"Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo mục tiêu kép vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân. Đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững", báo Công Thương dẫn lời Phó Thống đốc.

Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của NHNN, sự nỗ lực chung trong toàn ngành, cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước và các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đều đạt được những kết quả tích cực.

Trong đó, lĩnh vực cải cách thể chế, NHNN đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD, ban hành quy định mới quản lý hoạt động tín dụng, cho vay của các TCTD... Hoàn thiện khuôn khổ chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm mạnh mẽ từ giai đoạn triển khai Đề án 30 từ năm 2010 đến nay, với hơn 80% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng đã được cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng tốt yêu cầu giao dịch hành chính đơn giản thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với hệ thống các TCTD mặc dù cũng là doanh nghiệp nhưng với tính chất là doanh nghiệp phục vụ, nên NHNN đã chỉ đạo phải đẩy mạnh cải cách, đổi mới và xác định đây là một nhóm nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch CCHC chung của ngành Ngân hàng.

Những cải cách đồng bộ, liên tục và bền bỉ của NHNN cùng các TCTD nhiều năm qua là nền tảng để kiến tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, ngân hàng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng từ đó duy trì ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong vòng 10 năm qua liên tục ở mức cao.

Về định hướng CCHC, ông Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, NHNN đang tổng kết 10 năm thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ và đồng thời cũng đang xây dựng kế hoạch CCHC của ngành trong 10 năm tới.

"Quan điểm về cải cách trong 10 năm tới của NHNN sẽ tập trung triển khai liên tục và có hiệu quả các lĩnh vực CCHC nhằm kiến tạo môi trường kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng nói riêng ổn định, an toàn, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thượng tôn pháp luật và tôn trọng các quy luật thị trường thúc đẩy đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế", ông Tú nói và cho biết thêm, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện 6 lĩnh vực CCHC, trọng tâm vào 3 trụ cột đó là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến