Ngân hàng thương mại có “hứng” rủi ro khi bảo lãnh nợ công?
18/01/2016 13:18:53
Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh sẽ được nghiên cứu để dần chuyển sang kênh bảo lãnh của ngân hàng thương mại liệu có làm khó và đẩy rủi ro cho các ngân hàng thương mại?

Tin liên quan

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2016.

Một vấn đề đáng chú ý đối với việc quản lý nợ công là Chính phủ yêu cầu nghiên cứu để chuyển dần từ kênh bảo lãnh Chính phủ sang kênh bảo lãnh của các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đối với các khoản vay nợ.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia cấp cao về tài chính – ngân hàng cho rằng đây là xu hướng tất yếu trong việc quản lý nợ công, đảm bảo tính lành mạnh và bền vững. Đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nợ công đang tăng cao và gánh nặng nợ của Chính phủ ngày càng lớn.

Tuy nhiên, nếu không có những cơ chế chuyển đổi hài hòa, đảm bảo lợi ích các bên trên cơ sở để thị trường tự vận hành và các NHTM tự quyết định các khoản bảo lãnh thì sẽ rất rủi ro nếu như NHTM phải bảo lãnh các tổ chức/doanh nghiệp của Nhà nước hoạt động yếu kém, thua lỗ.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Thưa ông, trong điều kiện nợ công đang tăng cao, gánh nặng nợ quốc gia lớn thì việc chuyển dần từ kênh bảo lãnh Chính phủ sang kênh NHTM có ý nghĩa như thế nào?

Tôi nghĩ cơ chế này là cần thiết, vì ngân hàng sẽ giúp giảm gánh nặng nợ công tăng cao của Chính phủ, và về mặt kinh tế thị trường cũng là điều tốt. Bởi vì với Chính phủ, những đơn vị bảo lãnh thường là công ty của Chính phủ nên một khía cạnh nào đó việc nhận bảo lãnh sẽ dễ dàng hơn.

Nhưng các NHTM có quy trình để xét hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp (DN) chặt chẽ. Bởi các NHTM sẽ phải qua những quy trình chuẩn, yêu cầu rất khắt khe nên tôi ủng hộ cơ chế bảo lãnh này.

Trong bối cảnh mà nợ công tăng cao, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ thì liệu cơ chế chuyển đổi này có khiến các NHTM gặp rủi ro khi bảo lãnh nợ cho các tổ chức/doanh nghiệp?

Sẽ có những điểm lợi và bất lợi cho cả Chính phủ và NHTM. Trước kia Chính phủ đứng ra bảo lãnh hoặc thông qua Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để bảo lãnh những món nợ của các tổ chức kinh tế mà Chính phủ đỡ đầu, trong đó có DN vốn Nhà nước.

Trường hợp nghĩa vụ bảo lãnh được đẩy xuống NHTM thì gánh nặng nợ công của Chính phủ sẽ nhẹ đi. Vì bảo lãnh trên phương diện tài chính chỉ là hình thức cho vay chứ chưa có giải ngân, nên nó là một hình thức tín dụng, đẩy tín dụng đó cho các NHTM, thì sẽ có lợi cho Chính phủ và đỡ cho ngân sách và nợ công của Quốc gia. Đó là điểm lợi cho Chính phủ.

Đối với các NHTM, cái lợi trước mắt là khi NHTM bảo lãnh cho đối tác nào đó thì họ phải thu phí, quan hệ bảo lãnh với những đối tác đó cũng tăng lên. Về mặt quan hệ khách hàng thì đây là có lợi cho các NHTM. Vì những DN được bảo lãnh thường phải là những DN của Chính phủ hoặc là những DN có vốn của Nhà nước, là những DN mà tình hình tài chính tương đối khỏe, nên có lợi cho NHTM.

Song cũng có bất lợi. Thứ nhất, có thể xảy ra trường hợp những DN có tình trạng sức khỏe không tốt, tài chính yếu kém và thua lỗ. Thay vì Chính phủ bảo lãnh, và đẩy sang các NHTM và có thể các NHTM chịu áp lực của Chính phủ và phải bảo lãnh DN yếu kém, đây sẽ là điều hoàn toàn bất lợi.

Thứ hai, trường hợp mà Chính phủ không muốn bảo lãnh cho DN và đẩy xuống cho NHTM, thì có thể những đối tác cho vay sẽ không chấp nhận. Ví dụ có những đối tác nước ngoài, không chấp nhận bảo lãnh của bất cứ NHTM của Việt Nam nào ngoại trừ NHNN.

Trước kia là Chính phủ hoặc NHNN bảo lãnh và giờ chuyển sang NHTM thì đối tác nước ngoài có thể họ không chấp nhận. Điều này liên quan đến tín nhiệm quốc gia.

Nói chung, nếu là những DN Nhà nước hoat động hiệu quả tốt, thì việc đẩy cho NHTM gánh nhiệm vụ bảo lãnh là điều tích cực theo đánh giá của tôi. Nhưng với DN nhỏ yếu, việc đẩy cho NHTM không phải là điều tốt và có thể ảnh hưởng uy tín của Quốc gia, nếu họ đi vay nước ngoài và những NHTM đứng ra làm nhiệm vụ bảo lãnh cũng hoàn toàn bất lợi.

Vậy theo ông việc chuyển dần cơ chế bảo lãnh này như thế nào để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên?

Trước hết Chính phủ phải lên danh sách bảo lãnh mà Chính phủ đang nắm để chuyển dần sang cho các NHTM. Lên danh sách của tất cả DN có vốn Nhà nước đang được Chính phủ bảo lãnh mà phải chuyển dần kênh bảo lãnh của NHTM thương mại.

Thứ hai là Chính phủ phải để cho các NHTM xét duyệt các hồ sơ đó. Chính phủ không nên có áp lực hay không nên có chỉ đạo gì dù là trực tiếp hay gián tiếp đối với các NHTM mà nên để cho NHTM toàn quyền quyết định những việc bảo lãnh. Nếu NHTM thấy rằng có thể ôm được những bảo lãnh đó, thì để cho họ toàn quyền như vậy.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến