Lần gần nhất thị trường tiền tệ Việt Nam chứng kiến lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đạt gần 7%/năm đã diễn ra từ tháng 4/2012. Khi đó, mặt bằng lãi suất trên thị trường này đang ghi nhận xu hướng hạ nhiệt từ vùng 12-14%/năm trong năm 2011 và đầu năm 2012.
Từ đó đến nay, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại đều duy trì ở mức dưới 6%/năm.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 7/9, số liệu của Ngân hàng Nhà nước một lần nữa ghi nhận lãi suất cho vay qua đêm trên kênh liên ngân hàng đạt xấp xỉ 7%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đạt đỉnh 10 năm. Nguồn: WiGroup.
Nếu so với trung tuần tháng 8, lãi suất cho vay qua đêm đã tăng gần 3,5 lần. Tương tự, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần giữa các nhà băng trong phiên 7/9 cũng tăng vọt lên mức 6,83%/năm, cao hơn 1,2 điểm % so với phiên liền trước.
Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm kể trên thậm chí còn cao hơn lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 24 tháng ở thị trường 1 (ngân hàng với cư dân).
Cụ thể, theo NHNN, lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại hiện phổ biến ở mức 3,3-3,7%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng; 5,1-6%/năm với kỳ hạn 6-12 tháng; 5,4-6,6%/năm với kỳ hạn trên 12 đến 24 tháng và 6,3-6,7%/năm với kỳ hạn trên 24 tháng.
Trên thị trường, hiện chỉ có khoảng 5-7 ngân hàng đưa ra mức lãi suất tiền gửi cá nhân cao hơn 6,88%/năm. Như vậy, số liệu kể trên cho thấy các ngân hàng thương mại trong phiên 7/9 đã phải đi vay qua đêm với lãi suất cao hơn cả lãi huy động kỳ hạn trên 24 tháng.
Trong khi lãi suất cho vay qua đêm và một tuần tăng mạnh, lãi suất cho vay 2 tuần và một tháng chỉ tăng nhẹ lên 5,85%/năm (+0,17%) và 6,3%/năm (+0,78%).
Với việc đường cong lãi suất đảo chiều (lãi vay ngắn hạn cao hơn dài hạn), phần lớn giao dịch vay chéo giữa các nhà băng kể trên đều là để đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn.
Cũng theo số liệu của NHNN, trước áp lực thanh khoản lớn từ các ngân hàng thương mại, trong phiên 7/9, cơ quan quản lý tiền tệ đã bơm ròng hơn 28.720 tỷ đồng ra thị trường thông qua việc mua kỳ hạn tín phiếu 7 ngày và 14 ngày. Đây là khối lượng tiền VNĐ được NHNN bơm ra trong một phiên cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay.
Tính từ đầu tuần này (5/9), NHNN đã thực hiện bơm gần 65.000 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ mua tín phiếu trên thị trường mở.
Nguyên nhân thị trường tiền tệ biến động mạnh
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xu hướng lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh kể trên có một phần nguyên nhân từ việc NHNN đã hút ròng trên 88.000 tỷ đồng trong tuần giao dịch cuối cùng tháng 8. Đây cũng là lượng hút ròng theo tuần cao nhất kể từ năm 2019 tới nay.
Bên cạnh yếu tố kể trên, những biến động mạnh của thị trường tiền tệ diễn ra ngay sau khi NHNN thông báo đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị. Trong đó, mức “room” tín dụng điều chỉnh vẫn nằm trong định hướng 14% cả năm NHNN đã đề ra, nên mức tăng thêm tại từng nhà băng chỉ dao động trong khoảng 1-4%/năm.
Như trường hợp của Vietcombank, nhà băng này trước đó được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%, nay đã được điều chỉnh lên 17,7%. Tương tự, Agribank được nới từ 7% lên 10,5%; Sacombank tăng từ 7% lên 11%; HDBank được giao thêm 3,4%; OCB tăng thêm 3,1%; VPBank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB cùng tăng thêm 2,7%...
Các ngân hàng có thể cho vay ròng ra nền kinh tế khoảng 430.000 tỷ đồng từ nay đến cuối năm. Ảnh: Chí Hùng.
Việc các ngân hàng được điều chỉnh “room” tín dụng kỳ vọng giúp nền kinh tế có thêm vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn vốn tín dụng ngân hàng gần như đi ngang từ tháng 6.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với hai tháng liền trước, mức tăng trưởng tín dụng này gần như chỉ đi ngang.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết diễn biến này đồng nghĩa với việc trong vòng 2 tháng qua, lượng tín dụng bơm mới vào nền kinh tế là rất hạn chế và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc NHNN chưa phân bổ nốt hạn mức tín dụng kế hoạch trong năm.
Với việc đã được nới “room”, từ nay đến cuối năm, các nhà băng sẽ còn khoảng 4,09 điểm % tăng trưởng tín dụng, tương đương mức dư nợ cho vay có thể giải ngân tăng thêm khoảng 430.000 tỷ đồng.
BVSC đánh giá việc mở hạn mức tăng trưởng tín dụng thời điểm này của NHNN là cần thiết để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
Với việc tín dụng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay trong các cuộc họp chính sách tiền tệ, tạo áp lực lên tỷ giá, các chuyên gia tại đây cho rằng lãi suất của Việt Nam sẽ tiếp tục có diễn biến tăng trong thời gian còn lại của năm 2022.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy