Dòng sự kiện:
Ngành giáo dục ở huyện nghèo xứ Thanh: Nỗ lực chung cho sự nghiệp trồng người
20/11/2018 19:42:16
Là một huyện miền núi nghèo còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, nhờ sự nỗ lực, những năm qua, ngành giáo dục của huyện Thường Xuân đã có nhiều chuyển biến hết sức tích cực.

Tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn Quốc gia

Huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là một huyện miền núi thuộc 63 huyện nghèo của cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thiếu thốn… là những rào cản ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng ngành giáo dục của địa phương này.

Tuy vậy, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt Đảng bộ, chính quyền địa phương, sự theo dõi sát sao về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, cùng sự nỗ lực, chung sức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và các học sinh, ngành giáo dục huyện Thường Xuân những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong năm học 2017 – 2018.

Hiện nay, mạng lưới trường lớp học cơ bản ổn định, tiếp tục được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Điểm trường lẻ có ít học sinh của các trường mầm non, tiểu học đã được xóa bỏ, chuyển học sinh về học tại các điểm trường chính để có điều kiện tốt hơn trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.

Trong năm học 2017-2018, đã xóa bỏ được 20 điểm trường (10 tiểu học, 10 mầm non). Toàn huyện có 17 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 18 trường THCS, 3 trường THPT, 1 TTGDNN-GDTX và 17 trung tâm học tập cộng đồng.

Về cơ sở vật chất trường học được tăng cường, quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu công tác quản lý và dạy học.

Trường Tiểu học Luận Khê 1 vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia 

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trường học cơ bản đủ về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ đào tạo trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao, luôn xác định rõ nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác; luôn được chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thường Xuân cũng tập trung nguồn lực vào công tác xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia. Trong năm học có 3 trường được công nhận mới (TH Xuân Cao 1, TH Luận Khê 2, TH Xuân Lộc), trường Tiểu học Xuân Cẩm đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 và trường TH Xuân Dương được công nhận lại chuẩn mức độ 2 sau 5 năm, đạt 100% kế hoạch.

Tính đến tháng 8/2018, toàn huyện có 25/59 trường, đạt tỷ lệ 42,4%, trong đó: Mầm non có 3/17 trường, tỷ lệ 17,6%; Tiểu học có 13/24 trường, tỷ lệ 54,2%; THCS có 9/18 trường, tỷ lệ 50,0%.

Có 9 trường thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia năm 2018, trong đó: Công nhận mới 4 trường (MN Luận Thành, MN Xuân Chinh, TH Luận Khê 2, THCS Xuân Lộc); kiểm tra công nhận lại sau 5 năm 2 trường (TH Thị trấn, THCS Thị trấn); kiểm tra công nhận mức độ 2 là 3 trường (TH Vạn Xuân, TH Luận Thành, Lương Sơn 1).

Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối phòng Giáo dục và Đào tạo

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của các cấp, bậc học tại huyện Thường Xuân cũng đã từng bước được nâng lên, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong huyện dần được thu hẹp, nâng tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi; giảm tỷ lệ học sinh xếp học lực loại yếu, kém; tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp của học sinh; phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội...

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục huyện Thường Xuân, tại các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, huyện Thường Xuân luôn tích cực tham gia và giành nhiều thành tích cao.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân cho biết, ngành giáo dục của huyện đã rất nỗ lực thực hiện tốt các phong trào thi đua, trong đó đặc biệt chú trọng, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phòng trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước và của ngành, góp phần thúc đẩy chất lượng của công tác quản lý, chất lượng dạy và học.

Nhờ đó, kết quả xếp hạng của Cụm thi đua 11 huyện miền núi năm học 2017-2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thường Xuân được suy tôn là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối phòng Giáo dục và Đào tạo; trường THPT Cầm Bá Thước được suy tôn đơn vị đứng thứ 2 khối các trường THPT vùng núi cao của 11 huyện miền núi.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Thường Xuân cũng nhận thức rõ, trước mắt vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức cần phải vượt qua. Đó là công tác xã hội hóa giáo dục chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; việc tăng cường cơ sở vật chất trường học ở một số nơi chưa đồng đều; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực miền núi và toàn tỉnh.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh yếu kém còn cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa đạt được như mong muốn, chưa khẳng định được tính bền vững; chất lượng giáo dục giữa các vùng miền trong huyện còn chênh lệch.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến