Dòng sự kiện:
Ngành thép có thể hồi phục về cuối năm?
26/07/2023 11:15:25
Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.


Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh: TTXVN 

Thị trường thép trong nước dự báo tiếp tục khó khăn trong ngắn hạn bởi miền Bắc bước vào mùa mưa, nhu cầu xây dựng và tiêu thụ thép thấp. Sản lượng thấp cộng với giá thành liên tục giảm đang khiến cho nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với khó khăn.

*Giảm mạnh về lượng bán

Trên thị trường, giá thép đã có tới 15 lần giảm giá. Hiện giá thép đã về thấp hơn mức giá đầu năm nay khoảng hơn 1 triệu đồng/tấn.

Cụ thể thương hiệu thép Hòa Phát, với thép thanh vằn D10 CB300 chỉ còn 14.140 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 14.040 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Ý, với thép cuộn CB240 có giá 13.740 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 13.890 đồng/kg - giảm 100 đồng. Thép Việt Đức không có biến động, với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14.090 đồng/kg; thép cuộn CB240 ở mức 13.840 đồng/kg.

Không chỉ giá thép giảm mà mức tiêu thụ trong thời gian qua cũng hết sức ảm đạm. Thông tin từ Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết, toàn hệ thống Vnsteel tháng 6 đạt sản lượng bán hàng 233.000 tấn, tăng 5% so với tháng trước và giảm 22% cùng kỳ năm 2022, đây cũng là tháng có sản lượng bán hàng cao nhất tính từ đầu năm 2023. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 176.900 tấn, tăng 8% so với tháng trước và giảm 27% so với tháng 6 năm 2022.

Tính tổng sản lượng chung cả quý II/2023, Vnsteel chỉ đạt hơn 655.000 tấn thép thành phẩm các loại, bằng 99% so với quý trước và giảm 19% so với cùng kỳ. Đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý II cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất.

Cũng theo Tập đoàn Hòa Phát, tiêu thụ thép xây dựng của tập đoàn này trong tháng 6đạt 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 6/2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,012 triệu tấn, giảm 9,52% so với tháng 5/2023 và giảm 16,2% so với cùng kỳ 2022. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,161 triệu tấn, giảm 6,41% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ 2022.

Về nguyên nhân sản xuất và tiêu thụ thép sụt giảm, VSA cho rằng do nhu cầu tiêu thụ chậm. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Dự báo, từ nay đến cuối năm, tình hình tiêu thụ thép vẫn kém và có thể còn nhiều đợt giảm giá nữa.

Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: TTXVN

*Bao giờ hồi phục?

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng giám đốc Vnsteel cho hay, trong các tháng cuối năm 2023, các động lực tăng trưởng chính của ngành thép Việt Nam có thể gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, tổng công ty tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán trong điều hành sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình nhằm kiểm soát tình hình, khắc phục và từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch được giao; đồng thời chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ cơ hội khi thị trường phục hồi. 

“Với những cơ chế, chính sách nhằm gỡ khó cho các ngành nghề; trong đó có bất động sản, chính sách nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất…, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng trong đó có các sản phẩm thép sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách đột phá hơn đối với thị trường bất động sản thì thị trường thép vẫn chưa thể bứt phá ngay, khả năng khó khăn vẫn kéo dài hết năm 2023 bởi nhu cầu sử dụng thép vẫn còn yếu”, ông Phạm Công Thảo cho hay.

Riêng tại đơn vị, Vnsteel sẽ tiếp tục bám sát thị trường, dự báo cung – cầu để tận dụng cơ hội, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh linh hoạt và hiệu quả; tiếp tục các giải pháp nhằm giảm chi phí, hạ giá thành, quản trị tốt tồn kho, luân chuyển dòng tiền...

Các chuyên gia cũng cho rằng, kinh tế Mỹ cũng như các nước châu Âu được dự báo suy thoái kéo dài sang năm 2024; chính trị thế giới bất ổn nên thị trưởng thép chưa thế cất cánh mang lại hiệu quả như những năm trước đây.

Theo ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, đến thời điểm này, tình hình thị trường chưa có dấu hiệu thật sự phục hồi khi vướng vào mùa mưa bão và có tháng 7 âm lịch vốn là thời điểm ít công trình dân dụng khởi công. Do đó, phải đến cuối quý III hoặc đầu quý IV/2023 thì thị trường thép mới có thể phục hồi.

Chính phủ đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản như giảm lãi suất, giãn nợ cho các công ty bất động sản nhưng rõ ràng cần có thời gian để các chính sách này ngấm vào nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép nhận định, rất có thể nhanh nhất cuối năm nay, thị trường tiêu thụ thép mới có thể hồi phục; xa hơn, có thể sẽ phải đến thời điểm giữa năm 2024.

So với năm trước, tiêu thụ sắt thép thời điểm này kém hơn rất nhiều. Song ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV cho rằng, so với các tháng đầu năm 2023, đã có sự cải thiện rõ rệt. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, triển vọng đầu tư công vẫn sẽ hỗ trợ khơi thông tiêu thụ sắt thép trong nước./.

Tác giả: Đức Dũng

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến