Dòng sự kiện:
Ngành thuế Quảng Bình lý giải nguyên nhân hụt thu hơn 1.300 tỷ đồng
08/12/2023 20:13:27
Ngân sách năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 6 khoản không hoàn thành dự toán năm và hụt thu 1.300- 1.400 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Bình khóa XVIII, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã có những phân tích về nguyên nhân việc giảm thu các khoản thu ngân sách năm 2023 trên địa bàn.

Theo đó, nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện được 100 tỷ đồng, đạt 27% dự toán và bằng 71,1% so cùng kỳ hụt 250 tỷ đồng.

Về khoản thuế thu nhập cá nhân ước thực hiện được 222 tỷ đồng, đạt 58,4% so dự toán và bằng 72,4% so với cùng kỳ, hụt 158 tỷ đồng. Nguyên nhân thu đạt thấp được lý giải là do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu mua sắm, chuyển nhượng bất động sản giảm mạnh.

Về khoản thu thuế bảo vệ môi trường ước thực hiện được 390 tỷ đồng, bằng 83,9% so dự toán giao và bằng 130% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do việc thực hiện các nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 về việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đã làm giảm nguồn thu thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Về thu lệ phí trước bạ ước thực hiện được 230 tỷ đồng, đạt 59% dự toán và bằng 64,2% so với cùng kỳ, hụt 160 tỷ đồng.

Tiền thu thuế đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ước thực hiện được 260 tỉ đồng, đạt 116,2% dự toán trung ương giao, đạt 76% dự toán tỉnh giao, bằng 56,7% so với cùng kỳ, hụt 75 tỷ đồng. Nguyên nhân được lãnh đạo ngành Thuế Quảng Bình lý giải là do thực hiện giảm tiền thuê đất cho năm 2022 và năm 2023 theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 01/2023/QĐ-TTg và số 25/2023/QĐ-TTg.

Thị trường bất động sản "đóng băng” khiến nguồn thu ngân sách của Quảng Bình sụt giảm mạnh.

Về thu tiền sử dụng đất ước thực hiện được 2.100 tỷ đồng, đạt 70% dự toán tỉnh giao và chỉ bằng 41,7% so với năm 2022, hụt 900 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường bất động sản trầm lắng, việc tổ chức đấu giá các dự án gặp nhiều khó khăn và không thành công.

Qua báo cáo, tổng hụt thu trong cân đối của 5 khoản thu chủ yếu là 718 tỷ đồng, trong khi đó tăng thu chỉ hơn 220 tỷ đồng, toàn tỉnh hụt gần 500 tỷ đồng và tiền sử dụng đất hụt 800 - 900 tỷ đồng.

Theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình lý giải, nguyên nhân thu thấp do năm 2023 giao dự toán 250 tỷ đồng cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, tuy nhiên dự án này chưa đạt tiến độ triển khai theo dự kiến, dẫn đến số thuế phát sinh đạt thấp và không đạt dự kiến.

Ngoài ra các đơn vị xi măng có số nộp lớn năm 2022 như Công ty TNHH vật liệu xây dựng Việt Nam, Công ty TNHH VLXD Xi măng SCG Việt Nam ước nộp 2023 thấp do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, giá nhiên liệu đầu vào tăng mạnh.

Cũng theo ông Đoàn Vĩ Tuyến, thì một nguyên nhân nữa đó là triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong điều kiện kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Tình hình giá cả nguyên nhiên liệu đầu vào tác động lớn đến doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không có lãi, trong năm có 683 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 2.355 hộ nghỉ kinh doanh, khó khăn đó dẫn đến không nộp được và còn nợ đọng thuế, các dự án trọng điểm trên địa bàn chậm tiến độ, tình hình đầu tư công gặp khó khăn... đã tác động mạnh mẽ đến việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, cũng như công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Quảng Bình khoá XVIII diễn ra từ 6-8/12/2023.

Dự báo công tác thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình thời gian tới và năm 2024 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp về tài chính-ngân sách; thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế; triển khai đồng bộ các giải pháp, khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường công tác chống thất thu, giảm nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao năm 2024 tối thiểu 5%.

Ngành Thuế tập trung triển khai các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách; triển khai xây dựng dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2024 bảo đảm tích cực, vững chắc, có tính khả thi cao và bao quát toàn bộ nguồn thu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng, thu hút đầu tư... tăng thu cho NSNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội bộ ngành, đổi mới phương pháp làm việc, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…

Xuân Hương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến