Dòng sự kiện:
Ngày 20/11 khác mọi năm ở miền Trung
20/11/2020 11:55:11
Với nhiều thầy cô ở các tỉnh miền Trung, 2020 là năm khó khăn nhất trong quãng đời làm nghề giáo.

Thầy Bùi Văn Bi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phổ Văn, coi như năm nay không có ngày 20/11. Thiệt hại quá lớn sau những trận bão liên tiếp khiến các thầy cô chỉ muốn tập trung vào việc dạy và khắc phục hậu quả thiên tai.

Còn thầy Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), chỉ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm nội bộ nho nhỏ cho các thầy cô chứ không làm như mọi năm.

“Cả tỉnh đang gồng mình khắc phục hậu quả, mình không thể ăn mừng lúc này được, dù là dịp gì”, thầy chia sẻ.

Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Diệu khảo sát những thiệt hại của trường sau bão. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với nhiều thầy cô tại miền Trung, 2020 là năm lịch sử. Dịch Covid-19 bùng phát khiến thầy cô và học sinh cả nước phải căng mình chạy đua để có thể kịp hoàn thành chương trình học, thi như kế hoạch, đặc biệt là với học sinh các khối chuyển cấp. Vừa bắt đầu vào năm học mới chưa lâu, tưởng rằng khó khăn đã qua, nào ngờ thầy cô lại tiếp tục xoay xở ứng phó khi bão, lũ ập tới, trường học tan hoang.

Ngôi trường không mái

Sáng ngay sau trận bão số 9 - cơn bão lịch sử ở miền Trung, trường THPT Trần Quang Diệu đã vang lên tiếng kéo cưa rèn rẹt. Bên trong, các thầy cô giáo vốn chỉ tay bảng tay phấn, ai nấy đều tay cầm cưa, tay cẩm chổi, khẩn trương chia nhau dọn dẹp những cành cây đổ ngổn ngang khắp sân trường.

Trước tòa nhà hiệu bộ, thầy Dũng liên tục gọi điện, cố gắng liên lạc với UBND xã, huyện khi sóng điện thoại lúc có, lúc không. Nỗi lo lớn nhất của thầy hiệu trưởng khi đó là sớm dọn dẹp trường để kịp đón gần 1.100 học sinh trở lại sau bão.

"Phải học sớm để kịp chương trình cho các em lớp 12. Do dịch Covid-19 nên thời gian học vốn đã rất gấp, không có thời gian trống để học bù nữa", thầy Dũng trăn trở.

Trường THPT Trần Quang Diệu có 6 khu nhà thì đến 3 khu đã bị cơn bão số 9 thổi tốc mái, chỉ còn bàn ghế nằm chỏng chơ giữa trời. 25 cây lâu năm của trường cũng bị gió quật đổ, bộ rễ hàng chục năm tuổi nằm phơi mình trong nắng. Thiệt hại ước tính lên đến 3 tỷ đồng.

“Rất đáng buồn”, thầy Dũng bần thần nói khi nhìn về phía những mái tôn xanh cùng cây cối nằm ngổn ngang khắp sân trường khi đó.

Sau cơn bão số 9, ngôi trường liên tiếp phải đối mặt với nguy cơ từ các cơn bão số 10, 11, 12, 13. Khi được hỏi về thiệt hại sau những trận bão nối tiếp bão số 9, thầy Dũng cười bảo “chẳng còn gì mà ảnh hưởng nữa”.

Thầy Nguyễn Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Trần Quang Diệu (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Ngôn.

3 tuần sau trận bão lịch sử, việc học ở trường tạm ổn định trở lại sau khi khắc phục những thiệt hại cơ bản. Thể nhưng, hai khu nhà của trường vẫn trong tình trạng nhà không nóc.

Chi phí quá lớn khiến nhà trường chưa thể lập tức khắc phục thiệt hại ở những dãy nhà này mà phải chờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Do đó, số lớp học trong trường cũng giảm đi quá nửa.

Để đảm bảo việc học cho các học sinh ở 28 lớp, thầy Dũng phải lên phương án chia các lớp thành 2 ca học thay vì một ca như trước đây. Cụ thể, bình thường, tất cả các lớp đều học buổi sáng, còn buổi chiều học phụ đạo thì nay trường phải bố trí để một số lớp học sáng, còn lại học chiều.

Do đó, các hoạt động ngoại khóa, học phụ đạo thường xuyên trước đây cũng phải tạm dừng do thiếu phòng học. Học sinh vẫn chưa thể học bù những buổi học bị thiếu khi nghỉ học tránh bão.

“Khó đủ đường, thiệt thòi nhất là học sinh. May mắn là các em rất chia sẻ với thầy cô và cùng thầy cô khắc phục những mất mát hiện tại của nhà trường”, thầy Dũng tâm sự.

Năm khó khăn nhất

Cách đó 6 km, trường Tiểu học Phổ Văn (phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Sau bão, toàn bộ 16 phòng học của một dãy nhà bị tốc mái hoàn toàn. Tầng 2 của dãy phòng học chỉ còn những bức tường trống trơn. Ngay khi bão vừa đi, nước lũ từ sông Trà Câu bắt đầu dâng cao khiến các lớp học ở tầng 1 khi đó lại chìm trong lớp bùn dày.

Thầy Bùi Văn Bi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phổ Văn, cho biết cơn bão đã khiến 26 máy tính bị mưa ướt, hỏng. Khoảng 3.000 cuốn sách cùng 5 kệ sách của thư viện trường cũng hỏng hoàn toàn do dính mưa và bị sắt, thép làm gãy đổ.

Sau trận bão, nhiều phòng học bị hư hại khiến tất cả học sinh của điểm trường tiểu học này phải chia nhau về học tại các điểm trường khác gần đó.

Thư viện trường Tiểu học Phổ Văn tan hoang sau bão. Ảnh: Phạm Ngôn.

May mắn hơn trường THPT Trần Quang Diệu, 3 tuần sau cơn bão, nhờ có sự giúp đỡ của nhà hảo tâm và UBND thị xã, trường Tiểu học Phổ Văn đã được lợp mái lại và 230 học sinh của trường đã có thể trở lại nhịp học bình thường. Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức từ thiện, hệ thống thư viện cũng được khắc phục cơ bản.

“20/11 năm nay khác với mọi năm, nhà trường quyết định không tổ chức gì cả. Thầy cô coi như không có ngày 20/11. Thiệt hại quá lớn. Từ ngày làm nhà giáo, năm nay là khó khăn nhất”, thầy Bi tâm sự.

Dù không thể tổ chức ngày 20/11 như mọi năm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phổ Văn chia sẻ rằng niềm vui lớn nhất là toàn bộ học sinh, thầy cô của trường đều an toàn sau những trận bão, lũ liên tiếp. Trường Phổ Văn cũng đã hoàn thành việc khắc phục cơ bản để các em trở lại học ở chính ngôi trường của mình. Với thầy Bi, đó đã là niềm an ủi lớn nhất cho ngày nhà giáo Việt Nam của năm đặc biệt khó khăn này.

Tác giả: Thu Hằng

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến