Dòng sự kiện:
Ngày càng nhiều nước NATO ủng hộ tuyên bố đưa quân tới Ukraine của Tổng thống Pháp
01/04/2024 09:16:09
Sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Macron về việc đưa quân NATO tới Ukraine, ngày càng nhiều nước phương Tây bắt đầu thảo luận về vấn đề này, trong đó những quốc gia vùng Baltic và Phần Lan được cho là nhiệt tình nhất

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo chung ở Paris ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Financial Times của Anh ngày 30/3 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Elina Valtonen cho rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đúng khi khiến Nga không thể đoán trước giới hạn hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine với tuyên bố về khả năng đưa quân NATO vào lãnh thổ của một quốc gia đang có xung đột. 

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Valtonen nêu rõ: "Bây giờ không phải là lúc triển khai quân trên thực địa và chúng tôi thậm chí không muốn thảo luận về vấn đề này ở giai đoạn này. Nhưng về lâu dài, tất nhiên, chúng tôi không loại trừ bất cứ điều gì".

Bình luận trên của nhà ngoại giao Phần Lan xác nhận rằng Tổng thống Macron nhận được sự ủng hộ của các thành viên hàng đầu của NATO sau tuyên bố gần đây của ông về Nga và cảnh báo rằng thất bại của Moskva ở Ukraine là "hết sức quan trọng đối với an ninh châu Âu".

Tờ Financial Times lưu ý, trong nhiều thập kỷ ở hầu hết các nước Trung và Đông Âu, Pháp đã bị nghi ngờ vì phớt lờ lợi ích an ninh của khu vực khi có mối quan hệ gần gũi với Điện Kremlin. Ngay cả sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, ông Macron vẫn nói rằng Nga không thể bị "bẽ mặt".

Nhưng vào tháng 2 năm nay, Tổng thống Pháp đã gây sốc cho các đồng minh khi tuyên bố có thể sẵn sàng triển khai quân để ngăn cản chiến thắng của Nga trước Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Pháp, đây là cách ông đang muốn tạo ra "sự mơ hồ chiến lược" với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Đức, Mỹ và Anh đã bác bỏ lựa chọn này. 

Mặc dù vậy, Thủ tướng Litva Ingrid Šimonite cũng phản ứng tích cực với nỗ lực của Tổng thống Macron nhằm tạo ra "sự mơ hồ chiến lược". “Điều tôi thích ở hai tuyên bố gần đây của Tổng thống Macron là ông ấy thực sự nhấn mạnh rằng tại sao chúng tôi phải đặt ra ranh giới đỏ cho chính mình khi (Tổng thống Nga Vladimir) Putin về cơ bản không có ranh giới đỏ?”, bà Ingrid Šimonite nói. 

Đến lượt mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Estonia, Margus Tsakhna, lưu ý rằng tuyên bố của Tổng thống Macron "đã thức tỉnh các nhà lãnh đạo châu Âu một chút, thay vì triển khai quân đến Ukraine, việc viện trợ vũ khí và tài chính tới Ukraine sẽ an toàn hơn. Đồng thời, tuyên bố đó khiến Nga phải suy nghĩ về những gì châu Âu thực sự có thể làm. Lối suy nghĩ phi tiêu chuẩn như vậy rất hữu ích”.

Ngoài ra, Phần Lan và các nước vùng Baltic thống nhất theo ý tưởng truyền thống của Pháp rằng EU nên đóng vai trò lớn hơn trong việc hợp tác và mua sắm quân sự chung trong ngành công nghiệp quốc phòng với ngân sách tương ứng.

Tổng thống Macron cũng ủng hộ Thủ tướng Estonia Kaya Kallas, người đi đầu kêu gọi EU phát hành nợ chung cho nhu cầu quốc phòng. Ngay cả Phần Lan, một quốc gia tiết kiệm và phản đối việc vay nợ của EU, cũng có khả năng tham gia sáng kiến này. 

Tuy nhiên, các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu khác vẫn nghi ngờ liệu Pháp có thể làm được nhiều hơn trên thực tế để giúp đỡ Ukraine hay không. Đại diện EU tại các nước vùng Baltic lưu ý rằng ông rất ấn tượng trước tuyên bố của Tổng thống Macron đối với Ukraine, nhưng ông nghi ngờ về việc Pháp luôn thực hiện những cam kết mà nước này đưa ra. Theo một số quan chức, họ đặt ưu tiên cao hơn cho sự đóng góp của Đức cho an ninh khu vực so với Pháp hoặc Anh. 

Tác giả: Vũ Thanh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến