Một giếng khoan tự phát.
Cán bộ huyện cũng tham gia
Theo phản ánh, hơn một năm nay lợi dụng sự khan hiếm nước sạch, ông Hồ Sỹ Hương, Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) kết hợp các ông Trần Văn Đường (Trưởng Phòng Y tế huyện); ông Nguyễn Văn Tín (GĐ Cty CP Gió Lào) và ông Nguyễn Đình Nuôi (giáo viên về hưu) vào khu vực núi Thành, xã Hưng Nghĩa xây công trình, chặn dòng khe suối, khoan nước ngầm cung cấp cho người dân và thu mỗi hộ 20 triệu đồng.
Có mặt tại núi Thành, nhận thấy ngọn núi có giá trị lịch sử văn hóa tại đây đã bị băm nát với nhiều hố sâu khoét vào lòng núi trở thành những cái bẫy hết sức nguy hiểm. Đi chếch sang bên phải khoảng 200m là công trình chặn dòng kiên cố được đổ bê tông chặn lại thành một cái đập nhỏ. Từ đây, nước được lọc qua một số ngăn sơ sài rồi cho máy bơm ngược về các xóm 1, 2 của xã Hưng Nghĩa để người mua sử dụng.
Ngoài chặn dòng suối để lấy nước, nhóm người còn thuê máy khoan hai mũi nước ngầm tại núi Thành, cùng với đó là chục km đường ống bằng cao su nối từ núi về các xóm 1, 2 của xã Hưng Nghĩa cũng đã được lắp đặt, đi vào hoạt động. Việc lắp đặt đường ống đã đào xới, phá vỡ hiện trạng ban đầu của hàng loạt công trình giao thông, phụ trợ khiến nhiều hộ dân sống trong vùng lo lắng cho các công trình cũng như sự an toàn của họ.
Tháng 4/2020, người dân xóm 2 đã phản ánh lên UBND xã Hưng Nghĩa. Xã đã họp và giao trách nhiệm cho nhóm ông Nguyễn Đình Nuôi, nhưng sau đó “đâu vẫn vào đấy”. Theo đó, sau khi nước được dẫn về xóm, hộ nào muốn dùng thì phải đóng cho nhóm ông Nuôi, ông Hương 20 triệu đồng/hộ, ngoài ra còn phải đóng tiền điện hàng tháng.
Ban đầu chỉ có khoảng 17-18 hộ, nhưng đến nay đã có gần trăm hộ dân sử dụng với số tiền thu lên đến hàng tỉ đồng, nhưng không có hợp đồng hay hóa đơn, tất cả được giao dịch bằng… miệng. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm, không đủ trữ lượng cung cấp thì người dân không biết kêu ai?
Thấy nhóm người này làm suôn sẻ, đầu năm 2021, ông Hoàng Văn Công (một người dân ở xã Hưng Nghĩa) cũng thuê máy móc lên núi Thành khoan nước ngầm, xây dựng bể chứa để bán người dân. Địa điểm khoan lấy nước ngầm và xây dựng công trình của ông Công cách chỗ ông Nuôi khoảng 500m đường chim bay. Được biết, địa điểm này đã xảy ra sự việc đau lòng khiến một nữ học sinh lớp 6A Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (trú xóm 2, xã Hưng Nghĩa) không may trượt chân, đuối nước vào đầu tháng 6/2021.
Một điều đáng lo ngại khác là là đường điện đấu nối vào hệ thống máy bơm rất sơ sài, chạy lòng thòng dưới đất, đồng hồ lắp vào cây xanh bên cạnh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các cột níu giữ dây tải làm bằng gỗ, bê tông, sắt không tuân theo một quy chuẩn hay quy định nào.
Hộ nào muốn dùng “nước sạch” thì đóng tiền cho ông Công, nhưng số tiền “cạnh tranh” khoảng 15 triệu đồng/hộ. Ngoài số tiền đóng cố định này thì mỗi tháng gia đình nào sử dụng nước bao nhiêu thì đóng tiền điện bấy nhiêu và có đến 30 – 40 hộ dân đóng tiền để được sử dụng nước.
Nhập nhèm thu - chi
Mặc dù luôn gọi là “xã hội hóa” và “hứa” với dân là “đầu tư bao nhiêu thì thu lại bấy nhiêu, không kinh doanh, buôn bán”; nhưng đã hơn năm nay, công trình nước sạch đi vào hoạt động, nhóm ông Nuôi vẫn không hạch toán thu chi cho dân biết. Theo ước tính, với gần 100 hộ dân, số tiền của nhóm ông Nuôi, ông Hương “đầu tư” lên tới hàng tỉ đồng.
“Ban đầu họ nói xây dựng công trình nước sạch phục vụ cho khoảng 18 hộ, mỗi hộ đóng 20 triệu đồng, thừa thiếu sẽ bù trừ trả lại cho dân, nhưng đến nay lại thu lên 70 hộ dân với số tiền hàng tỉ đồng; mà nhóm ông Nuôi, ông Hương vẫn không có “ý kiến” gì với dân. Chúng tôi cần sự minh bạch, rõ ràng chứ không phải khuất tất, mù mờ như vậy. Chưa nói với số hộ dân ngày càng tăng lên, lượng nước, hệ thống vòi dẫn có phục vụ nổi hay không?”, một người dân đặt câu hỏi.
Ông Hồ Sỹ Hương cho rằng, “do nhu cầu cấp bách, vì cuộc sống người dân nên mới làm”, chứ “cuối cùng không được gì. Mấy xã ở đây đều tự phát làm, vì bức bách nên làm theo”. Khi được hỏi vì sao đi vào vận hành cung cấp nước cho dân đã hơn 1 năm nhưng đến nay không minh bạch thu - chi? Ông Hương nói: “Tại vì nhà anh làm chưa xong, nước vận hành đang ì ạch, máy móc hư suốt. Khi nào anh nhắc anh Nuôi chứ cũng để lâu rồi”.
Nước là nguồn tài nguyên, được Nhà nước quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, bất kể cá nhân, tổ chức nào muốn khai thác, sử dụng đều phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Việc ông Hồ Sỹ Hương là một Phó phòng cấp huyện, người quản lý về vấn đề xây dựng hạ tầng và các công trình trên địa bàn, không thể nói không hiểu quy định của pháp luật.
Về việc cán bộ huyện ngang nhiên khoan giếng bán nước rồi thu tiền của nhiều hộ dân, ông Nguyễn Hoàng Anh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Huyện đang kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh điều tra, cán bộ vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó”.
Tác giả: Zen Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy