Tin liên quan
Chặn đường…
Chỉ mới những ngày đầu năm, nhưng một dây chuyền băm gỗ dăm trái phép quy mô đã nhanh chóng mọc lên tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An.
Lần tìm hỏi, PV đến thôn Cồng xã Yên Hợp nơi mới xuất hiện một dây chuyền băm dăm trái phép. Theo người dân ở đây cho biết, Chủ cơ sở này là của doanh nghiệp Hoàng Huy với một dây chuyền băm dăm công suất lớn. “Đi qua cầu Cồng một đoạn có lối rẽ tay phải là đến” một người dân chỉ dẫn.
Theo chỉ dẫn của người dân, PV tìm được đường vào nơi đặt đại bản doanh khai thác gỗ dăm trái phép của công ty Hoàng Huy. Tuy nhiên, việc tiếp cận khu vực này trở nên khó khăn và nguy hiểm khi các phương tiện qua đây bị … chặn đứng. Theo đó, khi xe của PV đang tìm lối rẽ vào thì bất ngờ từ phía sau, một thanh niên điều khiển xe máy cắt mặt xe phóng viên, quy ngang trước mặt và dựng luôn ngang đường để làm “rào chắn” khi biết có người lạ muốn tiếp cận khu vực sản xuất của Công ty Hoàng Huy.
Chiếc xe máy chặn ngang đường để thăm dò người lạ thâm nhập đại bản doanh gỗ dăm trái phép của công ty Hoàng Huy.
Sau một lúc chờ đợi, người đàn ông ném ánh nhìn đỏ lửa và nhanh chóng lên xe máy đi. Tuy nhiên, khi đến đầu lối rẽ vào khu vực băm dăm thì tiếp tục bị chặn bởi một xe tải nhỏ. Đứng cạnh đó là người thanh niên với bộ dạng ngáo đá. Khi PV nhờ thanh niên này đánh xe tránh để có thể đi tiếp thì người này bảo không phải chủ xe, không biết xe của ai.
Khoảng 1 phút sau, người đàn ông (người chặn xe máy) đi từ trong ra hỏi “Có việc gì?”. PV giả làm người mua gỗ dăm đến hỏi mua thì người đàn ông trả lời “Ở đây chỉ có sắn, không có gỗ dăm đâu mà mua”. Sau đó người đàn ông này đi lại sát xe chở PV để thăm dò.
Khi xe của nhóm quay ra để về, người đàn ông vẫn đi xe máy bám theo một đoạn đường khá xa mới chịu dừng.
Xưởng trái phép mọc rầm rộ, huyện báo cáo không có?!
Mang vấn đề xưởng gỗ dăm trái phép trên địa bàn huyện Quỳ Hợp phản ánh lên UBND huyện, PV nhận được câu trả lời khá bất ngờ. Tiếp PV là ông Nguyễn Đình Hạ, Chánh văn phòng huyện Quỳ Hợp.
Xe gỗ keo đỗ bên đường đợi lệnh tiến vào xưởng gỗ dăm công ty Hoàng Huy tại thôn Cồng xã Yên Hợp huyện Quỳ Hợp
Trước đó, ngày 20/1, PV có phản ánh về việc sản xuất gỗ dăm trái phép của doanh nghiệp Thắng Lợi tại xã Đồng Hợp. Ghi nhận phản ánh từ PV là ông Bùi Đức Kiên (cán bộ huyện). Song sau đó PV không nhận được bất cứ phản hồi nào từ huyện Quỳ Hợp. Khi được hỏi về vấn đề này thì ông Hạ cho biết không nhận được thông tin gì từ ông Kiên (?).
Tiếp tục phản ánh về xưởng gỗ dăm trái phép tại thôn Cồng xã Yên Hợp đến Chánh văn phòng huyện, ông Hạ cho biết “Có biết đến xưởng này, nhưng hiện nay đang tạm đình chỉ để họ làm thủ tục”. “Cũng có thông tin từ dưới (xã Yên Hợp - PV) và huyện cũng đang xử lý” ông Hạ cho biết thêm.
Ông Hạ giới thiệu PV sang gặp ông Hoàng Văn Thái, trưởng phòng Nông nghiệp huyện. Theo ông Thái cho biết: “Xử lý sai phạm ở xưởng Thắng Lợi rất khó. Vì trong giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư Nghệ An cấp có mục 27 cho phép “sản xuất gỗ dăm”. Giấy phép do Sở cấp nên huyện không thể can thiệp, nếu huyện cấp thì huyện sai. Khi huyện đến kiểm tra thì nhà máy này (Thắng Lợi – PV) có giấy phép kinh, nhưng chưa có giấy phép xây dựng xưởng”.
Cũng theo ông Thái, khi đoàn thanh tra đến kiểm tra xưởng Thắng Lợi thì gỗ khúc được xẻ thành ván, còn cành ngọn thì nghiền dăm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong xưởng không hề có cành, ngọn keo. Trong khi đó, người dân ở đây cho biết, mỗi ngày có đến 4-5 xe kéo (Loại 30 tấn) từ xưởng Thắng Lợi chở dăm đi ra.
Trong xưởng Thắng Lợi không có cành, ngọn keo song mỗi ngày xưởng này vẫn băm được 4-5 xe kéo loại 30 tấn gỗ dăm để chở đi
Còn theo ông Kim Thanh Xuyên, trưởng phòng Công thương huyện Quỳ Hợp thì “các xưởng gỗ dăm Thắng Lợi và xưởng gỗ dăm ở thôn Cồng đều xây dựng không phép”.
Không có xưởng gỗ dăm trên địa bàn tỉnh Nghệ An?
Ngày 24/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 9444/UBND-CNTM giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan “kiểm tra hoạt động sản xuất gỗ dăm không phép”, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2016.
Tuy nhiên đến đầu tháng 3, Sở NN&PTNT Nghệ An vẫn chưa có kết quả báo cáo tỉnh. Để tìm hiểu vấn đề, PV đã tìm đến trụ sở Sở NN&PTNT Nghệ An. Khi liên hệ làm việc, một cán bộ của Sở cho biết “Việc này (xưởng gỗ dăm trái phép) phải gặp giám đốc, sếp vừa đến đó”.
Ngay lập tực PV tìm đến phòng của ông Hồ Ngọc Sỹ, giám đốc Sở thì cửa vẫn khóa. Khi gọi điện liên hệ thì ông Sỹ cho biết đang đi công tác ở huyện Quỳ Hợp nên giới thiệu PV qua gặp ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó giám đốc Sở.
Phó giám đốc Lâm cho hay, Sở đã có công văn gửi các huyện và hiện tại một số huyện đã có văn bản trả lời và việc Sở chưa có báo cáo với tỉnh là do chưa thu thập đủ báo cáo của các huyện. “Sở phải đợi huyện báo cáo chứ, Sở căn cứ vào đâu để điều tra, Sở biết đằng nào mà làm” ông Lâm nói.
Khi được hỏi về phương án xử lí các xưởng gỗ dăm trái phép, ông Lâm cho biết: “đợt này kiểm tra sẽ làm nghiêm thôi, và sẽ dẹp bỏ hết”. Sau đó ông Lâm giới thiệu PV sang gặp đồng chí Cường – Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm.
Trong khi đó, ông Cường việc sản xuất gỗ dăm khá đơn giản, dễ làm, chỉ cần căng bạt, dựng dây chuyền là làm được nên nhiều khi nó (các xưởng gỗ dăm) sản xuất lén lút mà mình không phát hiện được nên các cơ sở trái phép sẽ có “điều kiện” để đi vào hoạt động nhanh.
Ngày 2/3, điện thông báo cho PV, ông Cường cho biết đã đi kiểm tra xưởng chế biến gỗ Thành Phát tại huyện Thanh Chương. Khi đoàn kiểm tra đến thì không thấy sản xuất gỗ dăm. Tuy nhiên tại đây có một dây chuyền băm dăm nhằm phục vụ việc sản xuất than nguyên liệu và ván ép (?).
Gỗ dăm được nghiền và đổ thẳng vào xe tải ở xưởng Thành Phát tại huyện Thanh Chương
Trong khi đó, điều tra của PV và ghi nhận tại hiện trường cho thấy, không chỉ có hoạt động lén lút cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép của Công ty CP đầu tư và sản xuất Thành Phát (Cty Thành Phát) có trụ sở nhà máy tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương đang hoạt động công khai, thách thức chính quyền. Tuy nhiên, trong văn bản do Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An lại khăng định “không có xưởng gỗ dăm nào trên địa bàn huyện”. Mặc dù trước đó, ông Hiền từng thừa nhận với PV, “thỉnh thoảng khi huyện kiểm tra vẫn thấy doanh nghiệp băm gỗ nhưng không nhiều. Vì việc băm gỗ cũng giúp chế biến than nhiên liệu nên khó xử lý?!” Ông Hiền nói.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương do Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Hiền ký thì huyện này không có xưởng gỗ dăm không phép?!
Cũng theo ông Hiền cho biết, huyện Thanh Chương đã có 2 lần đi kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính “yêu cầu không sản xuất gỗ dăm và không hoạt động khi chưa đủ giấy tờ”. Lần 1 có Chủ tịch huyện và Phó chủ tịch huyện cùng đi nhưng doanh nghiệp không ký vào biên bản. Lần 2, có Phó chủ tịch huyện, công an huyện và phòng tư pháp cùng xã Thanh Xuân.
Được biết, xưởng Thành Phát xây dựng trên đất chưa được cấp phép và cũng không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, chính quyền nơi đây không có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí ông phó chủ tịch huyện còn “đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Tỉnh Nghệ An nhanh chóng cấp giấy phép sử dụng đất cho doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất(?)”.
Theo một nguồn tin, Phó chủ tịch huyện Nguyễn Hữu Hiền cùng phóng viên đài truyền hình Nghệ An và một số đồng chí công an huyện từng trực tiếp đến xưởng Thành Phát để kiểm tra. Tuy nhiên, đoàn đã bị các bảo vệ và công nhân của xưởng này chặn không cho vào. Thậm chí, các đối tượng còn giật thẻ nhà báo của phóng viên đài truyền hình Nghệ An. Ông Hiền cũng đã xác nhận thông tin này và cho biết việc đã được giải quyết và cũng không có vấn đề gì (?).
Từng trả lời PV, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An Trung Thành Công cho biết: “Đất chưa được cấp phép mà đã làm về bản chất là đã sai phạm, là sai phép rồi. Xây dựng không phép, sử dụng đất trái phép là đã vi phạm. Đáng lẽ như vậy huyện phải xử lý luôn. Xử lý xong vi phạm mới xem xét các yếu tố khác. Nếu vượt thẩm quyền của huyện thì mới trình tỉnh xử lý. Nói chung, chưa có quyền sử dụng đất mà đã xây dựng là vi phạm luật xây dựng, luật đất đai, tùy vào mức độ sẽ có biện pháp xử lý sai phạm”.
Thất thu tiền thuế, phá nát thị trường
Một đơn vị xuất khẩu gỗ dăm ở Nghệ An cho hay, số tiền thuế 2% bắt buộc phải đóng ngay tại cảng xuất hàng, trong khi đó, các nhà máy trái phép lại không bị địa phương kiểm soát, hoạt động bất chấp pháp luật, gây ra sự nhiễu loạn thị trường. Theo quy định, những đơn vị được cấp phép sản xuất gỗ dăm, xuất khẩu gỗ dăm phải đóng thuế 2% cho Nhà nước. Tuy nhiên, các xưởng sản xuất gỗ dăm bất hợp pháp tại Thanh Chương, Quỳ Hợp.... vẫn ngày đêm sản xuất để bán cho khách hàng mà không hề đóng một đồng tiền thuế, trốn thuế làm Nhà nước thất thu rất lớn nguồn tiền từ hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất bất hợp pháp nói trên.
ANTT.VN sẽ tiếp tục cập nhật…
Thủy Tiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy