Dòng sự kiện:
Nghị lực phi thường của nữ sinh Nghệ An mắc bệnh tim bẩm sinh, bố mất sớm
30/03/2018 14:51:09
Bố mất khi mới lên 4 tuổi, bản thân lại mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh, thế nhưng cô nữ sinh nhỏ nhắn Phạm Thị Thanh Huyền, học sinh lớp 11G, trường THPT Diễn Châu 2, vẫn vươn lên trở thành học sinh giỏi toàn diện.

Căn nhà nhỏ cấp 4 ẩm thấp, tường đã rêu mốc nằm khuất sâu trong ngõ hẻm là nơi trú ngụ của nữ sinh Phạm Thị Thanh Huyền (SN 2001, trú tại xóm 7, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) cùng mẹ và các em, .

Khi chúng tôi đến thăm nhà, chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1976, mẹ Huyền) đi làm chưa về, cậu em trai Phạm Ngọc Vũ (SN 2002), học sinh lớp 10G trường THPT Diễn Châu 2 cũng đang đi học, chỉ có mình Huyền đang miệt mài bên chiếc bàn học cũ kỹ cùng những chồng sách vở.

Ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp của gia đình Huyền

Suốt buổi trò chuyện, câu nói của cô học trò nhỏ khiến ai nấy đều chạnh lòng: “Cháu rất muốn học tiếp. Cháu sợ phải nghỉ học lắm. Bố mất, nhà nghèo, cháu giờ không biết làm sao cả”.

Giọng nói của Huyền dần nghẹn ngào, mắt hoen đỏ, đôi bàn tay gầy đen đúa, thiếu sức sống của thiếu nữ 17 tuổi nắm vào nhau khi kể về hoàn cảnh của mình.

Thấy có người lạ, bà Trần Thị Trâm (SN 1950, bà nội Huyền) nhà ngay bên cạnh chạy sang. Tâm sự với chúng tôi, bà Trâm không giấu nổi nỗi đau xót khi kể về tình cảnh nghiệt ngã của gia đình con trai mình.

Bà Trâm cho biết: “Bố cháu là Phạm Ngọc Vinh (SN 1974) mất do sự cố tai nạn giao thông. Lúc đó, Huyền mới lên 4 tuổi. Bản thân Huyền từ khi sinh ra cũng được các bác sỹ chẩn đoán bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu kém lại hay đau ốm”.

Ước mơ duy nhất của Huyền là được tiếp tục đến trường.

Năm 2001, Huyền chào đời trong niềm vui hân hoan của hai bên nội ngoại. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì gia đình phát hiện em có những biểu hiện bất thường, khi luôn miệng gào khóc, cơ thể tím tái.

Vợ chồng chị Thủy đưa con đi khám khắp nơi thì phát hiện Huyền bị tim bẩm sinh nặng. Thương con nhưng gia đình cũng không biết làm gì, ngoài việc đưa em đi khám định kỳ và trông chờ vào những viên thuốc bảo hiểm. Bởi, nếu phẫu thuật cho Huyền thì chi phí rất tốn kém, mà hoàn cảnh gia đình lại khó khăn.

Lúc bấy giờ, chị Thủy cũng hay tin mình mang bầu đứa con thứ 2. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Đôi vai nhỏ bé của chị Thủy phải cố gắng gồng gánh, quán xuyến việc nhà.

Chị vừa phải lo cho đứa con bệnh tật hay đau ốm, lại vừa phải chăm sóc bản thân thật tốt để thai nhi được phát triển khỏe mạnh. Còn anh Vinh cũng phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, mong sao có tiền mua thuốc cho con và lo toan trong gia đình.

Bà Trâm nhớ lại: “Thời điểm mẹ cháu Huyền sinh đứa thứ 2, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Nhiều bữa không có cơm ăn, phải thay bằng khoai và sắn”.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn là vậy, nhưng năm 2005, biến cố lớn lại ập xuống gia đình này khi anh Vinh không may bị tử vong sau một vụ tai nạn giao thông. Quá đột ngột và đau đớn, chị Thủy khóc lịm đi. Được bà con giúp đỡ, động viên nên chị đành gói ghém nỗi đau lại và gắng bước tiếp để chăm lo cho 2 đứa con.

Đi học về Huyền lại tranh thủ nấu nướng, làm công việc nhà phụ giúp mẹ.

Thương mẹ vất vả sớm tối nên mỗi lúc đi học về Huyền lại tranh thủ nấu nướng, làm công việc nhà phụ giúp mẹ. Những ngày chủ nhật hay được nghỉ học em thường dạy kèm cho em trai.

Cả hai chị em đều ngoan ngoãn, siêng năng và đạt kết quả cao trong học tập. Trong 11 năm liền, Huyền đều là học sinh giỏi toàn diện. Người em trai Phạm Ngọc Vũ cũng nối tiếp thành tích của chị, luôn khá giỏi trong lớp.

Nhưng niềm vui chẳng bao giờ ưu ái cho gia đình khốn khó này. Năm 2008, bệnh tim của Huyền tái phát, mười đầu ngón tay và chân của em dần tím tái, chị Thủy phải nghỉ làm khăn gói đưa con ra Hà Nội chữa trị.

Tại đây, sau khi được thăm khám,các bác sĩ khuyên chị Thủy phải phẫu thuật cho cháu càng sớm càng tốt nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đành ngậm ngùi đưa con về nhà phó mặc cho số phận.

Mười đầu ngón tay và chân của cô nữ sinh 17 tuổi đều tím tái.

Năm 2010, sau khi biết đến hoàn cảnh éo le của gia đình, chương trình “Trái tim cho em” (VTV1) đã hỗ trợ toàn bộ chi phí để Huyền thực hiện phẫu thuật tại bệnh viện Việt Đức, TP.Hà Nội.

Cuộc phẫu thuật khá thành công, Huyền đã có thể trở lại trường lớp như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một lần nữa đang ngăn cản việc học hành của em.

Sau khi chồng mất, chị Thủy xin đi làm phụ hồ - một công việc tưởng chừng như chỉ dành cho những người đàn ông có sức khỏe. Từ đó, chị trở thành trụ cột chính trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cuối cùng cho 2 đứa con thơ dại.

Thế nhưng công việc bấp bênh ngày có ngày không, cùng với tiền lương ít ỏi chỉ đủ cho 3 mẹ con sống chật vật qua ngày. Những hôm chị Thủy ốm nặng phải nghỉ làm, cả nhà lại không có gạo ăn.

Thầy Trần Văn Quân, giáo viên chủ nhiệm của Huyền cho biết: “Huyền là một học sinh gương mẫu, chăm ngoan và học giỏi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em đã rất cố gắng vươn lên trong học tập và đạt kết quả cao. Em là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học cho các bạn khác noi theo”.

Tuy nhiên thầy Quân cũng lo ngại do cuộc sống khó khăn em Huyền có thể bỏ học bất cứ lúc nào. Vì vậy thầy mong các nhà hảo tâm có thể chia sẻ, hỗ trợ gia đình em vượt qua giai đoạn này, tiếp sức cho em được đến trường.

Mọi sự giúp đỡ của quý bạn đọc xin gửi về:

chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1976) xóm 7, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Hoặc: Văn phòng đại diện tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên – Báo điện tử Người Đưa Tin.

Số tài khoản: 220 0101 0767776, ngân hàng MaritimeBank, chi nhánh Nghệ An.

NĐT

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến