Dòng sự kiện:
Ngôi làng nghèo xứ Thanh mỏi mòn chờ ánh sáng điện lưới
09/09/2017 07:40:07
Những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với miền núi dường như vẫn còn chưa đủ khi những điều kiện thiết yếu để thay đổi căn bản đời sống người dân như giao thông, điện lưới ở nhiều nơi vẫn còn thiếu vắng.

Gian nan thoát nghèo

Thường Xuân (Thanh Hóa) là 1 trong số 62 huyện nghèo của cả nước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Dù được thụ hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội, nhưng đời sống của người dân ở một số bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa vẫn còn chật vật, thiếu thốn trăm bề.

Không điện lưới, không đường đi, không ti vi, tủ lạnh, quanh năm sống giữa bốn bề núi rừng mây phủ, người dân thôn Giang, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) dường như vẫn đang sống ở thời kì sơ khai của loài người, đói nghèo và lạc hậu vẫn đeo bám từ bao đời.

 
Trời nắng đường đi còn khô ráo, khi mưa xuống thì lầy lội, trơn trượt

Cách trung tâm xã chừng hơn 10 cây số, thôn Giang có hơn 90 nóc nhà nằm rải rác ở dưới những chân núi, vậy mà số hộ nghèo chiếm phần đa số, còn lại là hộ cận nghèo, không có lấy một hộ nào khá giả.

Từ trung tâm xã đi vào thôn chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua núi, đường đi khúc khuỷu những ổ voi, ổ gà. Trời nắng còn đỡ, mỗi khi trời mưa xuống thì đường trở nên lầy lội, trơn trượt, chỉ còn nước vừa đi vừa bò.

Thế nhưng đây lại là con đường đi học hàng ngày của hơn 30 em nhỏ thôn Giang. Không quản ngại nắng mưa, vất vả, các em vẫn đến lớp đều đặn để học con chữ. Vào những sáng mùa đông, khi trời còn mờ hơi sương, các em phải đốt đóm, cầm đèn pin để nhìn thấy lối đi đến trường.

Cũng vì giao thông không thuận tiện, việc giao lưu với thế giới bên ngoài của người dân trong làng vô cùng hạn chế. Đa số những người phụ nữ quanh năm chỉ làm bạn với ruộng nương, núi rừng, chẳng có dịp nào để bước chân ra khỏi bản. Mọi nhu cầu đều tự cung tự cấp, thức ăn hàng ngày chủ yếu là củ măng, hay những thứ rau rừng hái được. Cũng có khi, họ ra khe suối bắt được con cá, con tôm để cải thiện bữa ăn.

Trưởng bản Vi Văn Đảnh chia sẻ: “Trong làng chỉ có vài chiếc xe máy tàu cọc cạch, hầu hết các nhà đều không có xe cộ, lại thêm đường khó đi nên mỗi khi phải ra trung tâm xã khám bệnh hay xin con dấu cũng rất là vất vả, đi bộ thì mất nửa ngày trời. Nhiều khi đêm hôm, có người đau đẻ, nếu không ngồi được xe máy thì còn phải dùng cáng mà khiêng, chật vật mãi mới ra đến trạm xá ngoài trung tâm xã, khổ lắm. Chỉ mong sao chính quyền quan tâm sớm làm cho con đường để người dân đi lại đỡ gian nan”.

Mỏi mòn chờ ánh sáng 

Đối với người dân thôn Giang, ánh sáng điện lưới là một thứ khát khao đầy cháy bỏng. Nhiều năm qua, hàng trăm con người ở bản làng này vẫn mỏi mòn chờ đợi điện sẽ về thắp sáng lên những nóc nhà nghèo nàn, u tối.

Anh Vi Văn Nhất, người dân trong làng cho biết: “Muốn có điện thì phải tự kéo dây từ trung tâm xã về, nếu không thì kéo từ bên xã khác thuộc huyện Như Xuân, cách làng một ngọn núi. Đường nào thì cũng như nhau cả, chi phí kéo dây và thiết bị các thứ cũng mất từ 25 – 30 triệu đồng. Vì số tiền quá lớn với chúng tôi, nên phải chịu thôi”.

 
Có những nhà sử dụng chiếc bóng đèn được thắp sáng bằng bình tích điện

Hầu hết người dân đều chỉ sống nhờ vài sào ruộng, miếng cơm manh áo còn chưa đủ thì việc phải bỏ ra vài chục triệu để kéo điện lưới về nhà quả là điều xa xôi ngoài tầm với. Trong làng cũng có một vài hộ mắc dây kéo điện về, nhưng để làm được điều đó, cũng phải mất đứt con trâu, con bò trong chuồng.

Còn lại những nhà kém may mắn hơn thì vẫn phải sống chung với bóng tối. Khi màn đêm xuống, để có ánh sáng, có nhà thắp đèn dầu, có nhà khá hơn thì dùng bình sạc điện với một cái bóng con con để thắp sáng. Chỉ cần ăn xong bữa cơm là coi như qua ngày, ai nấy lên giường đi ngủ.

 
Cũng có những nhà chỉ nhờ cậy ánh sáng từ bếp lửa

Vì không có điện nên người dân cũng không biết đến ti vi, điện thoại, những vật dụng của cuộc sống hiện đại đối với họ là điều xa xỉ… Không được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, không có các thông tin về chính sách, pháp luật, kiến thức chăn nuôi, sản xuất, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng dân trí thấp, cuộc sống của người dân cũng vì vậy mà trầy trật mãi trong cái nghèo và lạc hậu.

Ông Lương Văn Tòi, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết: “Xuân Chinh là một trong những xã nghèo của huyện, thu nhập bình quân chỉ đạt mức 8 triệu đồng/người/năm, đời sống của nhân dân đa phần còn khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay không chỉ có thôn Giang, mà còn các thôn cũng trong tình cảnh khó khăn tương tự là Cụt Ạc và Tú Tạo. Điện, đường vẫn còn là một vấn đề nan giải và ngoài khả năng giải quyết của địa phương”.

Lương Thị

 

 

 

 

 

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến