Dòng sự kiện:
Ngòi nổ phá thế kẹt tín dụng trung, dài hạn
21/07/2022 08:59:21
Trung Quốc vừa phải thúc các ngân hàng thương mại cho vay BĐS trở lại khi làn sóng ngừng trả nợ bùng lên. Thị trường tín dụng BĐS và TPDN bất động sản tại Việt Nam cần tránh rơi vào tình cảnh tương tự.

Doanh nghiệp than ngộp thở

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, từ sau sự cố Tân Hoàng Minh đến nay, không chỉ kênh phát hành TPDN đóng băng, mà tín dụng cũng bị siết, nhiều doanh nghiệp bất động sản ngộp thở vì thiếu vốn.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6/2022, tín dụng bất động sản đã lên tới 2,33 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,31%, là mức cao so với tín dụng chung toàn hệ thống. Nửa cuối năm, NHNN khẳng định tiếp tục kiểm soát tín dụng rủi ro, trong đó có bất động sản. Lãnh đạo NHNN cũng nhiều lần bày tỏ, nhiệm vụ của hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế. Với vốn trung, dài hạn, doanh nghiệp cần phải tìm đến thị trường vốn (chứng khoán, TPDN…).

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, ngòi nổ duy nhất để phá thế kẹt về vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp hiện nay chính là TPDN. “Sau sự cố Tân Hoàng Minh, chúng tôi luôn hối thúc nhà điều hành phải nhanh chóng vận hành trở lại thị trường TPDN bên cạnh chấn chỉnh thị trường. Nếu chúng ta chặn dòng chảy TPDN, đến quý III, quý IV năm nay, 140.000 tỷ đồng TPDN vỡ nợ thì điều gì sẽ xảy ra? Thị trường bất động sản sẽ đóng băng, hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào khó khăn không thể tưởng tượng”, ông Nghĩa nói.

Những năm gần đây, TPDN đã trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng bậc nhất cho doanh nghiệp. Tính đến tháng 6/2022, dư nợ tín dụng trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng là 4,5 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân các năm qua là 12-14%/năm. Trong khi đó, TPDN với tốc độ bình quân 30%/năm thì chỉ trong vòng 10 năm tới sẽ đuổi kịp, thậm chí thay thế kênh tín dụng trung, dài hạn. Do vậy, việc kích hoạt trở lại thị trường TPDN là vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong giải bài toán vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, tránh sự đổ vỡ.

Bài học của thị trường Trung Quốc thời gian qua cho thấy, việc siết quá mức thị trường TPDN và tín dụng sẽ gây ra sự đổ vỡ cho thị trường bất động sản. Ngày 17/7 vừa qua, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã phải kêu gọi các ngân hàng thương mại mở rộng cho vay với dự án bất động sản mà chủ đầu tư đủ điều kiện.

Thực tế đang diễn ra tại Trung Quốc là tiếng chuông cảnh báo cho Việt Nam.

Không nên quá cực đoan về bất động sản

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, bất động sản và xây dựng đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam và có tính lan tỏa lớn (có 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan trực tiếp và gián tiếp tới bất động sản). Bên cạnh đó, bất động sản cũng có sự liên thông chặt chẽ với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. Đảm bảo kinh tế vĩ mô thì mới ổn định thị trường này và ngược lại.

Ngòi nổ duy nhất để phá thế kẹt về vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp hiện nay chính là TPDN. Nếu chặn dòng chảy TPDN, thị trường bất động sản sẽ đóng băng.
Hiện nay, bất động sản đang dựa vào 5 nguồn vốn, song tín dụng và TPDN là hai nguồn vốn quan trọng nhất. Trong đó, riêng về TPDN, ông Lực cho rằng, nếu có thái độ ứng xử phù hợp, đây sẽ là kênh huy động vốn rất hữu ích, nhất là vốn trung, dài hạn.

Để giải bài toán vốn cho thị trường thời gian tới, chuyên gia này cho rằng, cần phải tạo điều kiện phù hợp để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng tiếp tục phát hành TPDN, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, tránh khả năng vỡ nợ chéo.

Tiếp theo, phải có giải pháp quyết liệt hơn để điều tiết cung - cầu bất động sản, khẩn trương tháo gỡ các rào cản pháp lý, hoàn thiện thể chế cho thị trường này.

Tương tự, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, thị trường bất động sản không thể phát triển nếu nhà quản lý nhìn đâu cũng chỉ thấy rủi ro, đầu cơ. Theo ông Thành, phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường TPDN rất quan trọng. Nếu không có trái phiếu, nguồn vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

"Thời gian gần đây, nếu không có TPDN thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều. Riêng năm 2021, phát hành TPDN vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại. Không có trái phiếu doanh nghiệp thì nguồn vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng sẽ gặp khó”, ông Thành nhận xét.

Theo số liệu của FiinGroup, sau sự cố Tân Hoàng Minh, trong quý II/2022, phát hành trái phiếu bất động sản đã giảm tới 79% so với quý I/2022.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.

Trước mắt, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP nhằm quản lý hoạt động phát hành TPDN, vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Tác giả: Hà Tâm

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến