Ngư dân đã tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị định 67
10/12/2014 15:06:51
ANTT.VN – Sau gần 4 tháng Chính phủ ban hành Nghị định 67, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc triển khai nghị định này.

Tin liên quan

Nghị định 67/2014/NĐ - CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014, về một số chính sách phát triển ngành thủy sản. Đây được coi là nghị định có tính đột phá nhất trong các chính sách phát triển ngành thủy sản Việt Nam từ trước đến nay, được áp dụng chính thức từ ngày 25/8/2014.

Cả ngư dân lẫn chủ cơ sở đóng tàu đều mong muốn các thủ tục đóng mới tàu cá được thực hiện tinh gọn hơn (Ảnh: Q.VIỆT/ báo Quảng Nam)

Trong Nghị đinh này, nội dung quan trọng nhất là tập trung vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng mới tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ theo hướng vỏ thép, vỏ composite và nâng cấp tàu đánh cá vỏ gỗ.Theo đó, các danh nghiệp và cá nhân vay vốn tới 70 – 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ từ 1 – 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù.

Theo thông tin trên báo điện tử Chính phủ ngày hôm qua 9/12, ngư dân đầu tiên đã được vay vốn theo Nghị định 67. Cụ thể, chi nhánh BIDV Thừa Thiên Huế đã ký hết hợp đồng tín dụng số 01/2014/HĐTD với ông Trần Huấn, ngư dân tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với trị giá 2,2 tỷ đồng, thời gian 11 năm, để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900CV, trị giá 4,1 tỷ đồng.

Đây là khoản giải ngân thành công đầu tiên theo Nghị định 67/NĐ - CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước. 

Ông Huấn cho biết, gia đình ông sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản nhưng mới chỉ có một tàu đánh cá xa bờ vỏ gỗ công suất 495CV, được đầu tư từ năm 2009, gia đình ông đã mong mỏi nhận được nguồn vốn ưu đãi để đóng được tàu cá có công suất lớn hơn.

Cũng trong ngày 9/12, theo thông tin trên báo Quảng Nam, ngành thủy sản tỉnh này đã thành lập tổ kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phụ vụ đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá của các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho ngư dân theo chính sách phát triển thủy sản của Nghị định 67. Theo đó, trong số 8 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền được kiểm tra, có 5 cơ sở đáp ứng yêu cầu đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá có công suất từ 400CV trở lên.

Theo ông Trần Văn Việt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá (Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam), trong số 30 cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn tỉnh, mới có 8 cơ sở đăng ký và đã được tiến hành kiểm tra, “có 5 cơ sở đáp ứng các yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá theo Thông tư số 26/2014/TT-BNN&PTNT. Nếu các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền khác đăng ký, chúng tôi sẽ kiểm tra ở các đợt khác trong thời gian tới”, ông Việt nói.

Doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi, có 30 lao động đang khẩn trương làm việc để hoàn thành 7 tàu cá đang đóng mới. Trong số 7 tàu cá này, có 3 tàu của ngư dân Quảng Ngãi, 4 tàu cá của ngư dân Quảng Nam. Giám đốc doanh nghiệp này – ông Trần Ngọc Hoàng cho hay, “cơ sở chúng tôi có thể cùng lúc đóng mới 20 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, thời gian hoàn thành chỉ khoảng 2 – 3 tháng nếu các thủ tục thông suốt, khi Nghị định 67 được triển khai, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân”.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi mà Nghị định 67 đem lại cho ngư dân vẫn còn những khó khăn, nhất là trong việc kiểm tra, đăng kiểm mất khá nhiều thời gian. Theo ông Trần Ngọc Hoàng, để có thể đóng mới tàu có công suất từ 400CV trở lên theo Nghị định 67, đòi hỏi phải có thiết kế nên cơ sở phải thuê kỹ sư thiết kế mẫu tàu rồi gửi lên Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam phê duyệt. Hồ sơ thiết kế mẫu tài sẽ được gửi cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiến hành kiểm tra, phê duyệt lần nữa nên càng mất thời gian.

“Việc phê duyệt thiết kế tàu cá phải qua ngành thủy sản cấp tỉnh rồi trung ương làm mất quá nhiều thời gian. Ngành thủy sản nên chăng rút ngắn các công đoạn phê duyệt thiết kế, giám sát, thẩm định để việc đóng tàu theo Nghị định 67 được “trôi chảy” hơn. Rồi còn chuyện chi phí cho việc thiết kế và giám sát đóng tàu cá tốn đến 35 triệu đồng, quá nhiều so với các nơi khác ở miền Trung” - ông Hoàng kiến nghị.

Thông tin trên báo Công an Tp.HCM, Sáng 10/12, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi (Agribank Quảng Ngãi) đã kí kết hợp đồng cho vay tín dụng để đóng tàu hậu cần nghề cá vỏ thép với Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn, theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Với việc giải ngân có hiệu lực ngay sau kí kết, đây là trường hợp đầu tiên trong cả nước được ngân hàng giải ngân để đóng tàu hậu cần nghề cá vỏ thép.

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá được cấp vốn có chiều dài 45,6m, rộng 7,5m và cao 4,2m, công suất gần 950CV. Được biết, danh sách vay vốn của tỉnh Quảng Ngãi đợt 1/2014 theo Nghị định 67 với số lượng là 40 chiếc với 37 tàu cá, 3 tàu dịch vụ hậu cần, với tổng kinh phí trên 408 tỉ đồng. Trong số này có 15 tàu vỏ thép, 2 chiếc vỏ composite, còn lại là tàu vỏ gỗ.

Ngày 3/12 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định công bố 70 cơ sở đóng tàu mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá đủ điều kiện.

Theo đó, cơ sở đóng mới, cải hoán, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ thép có các tỉnh như: Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Khánh Hòa. Cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ có một số tỉnh như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị,Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Sóc Trăng.Cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ composite có tỉnh Khánh Hòa.

Kiều Chinh
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến