Dòng sự kiện:
Ngư dân kiếm bộn tiền nhờ săn loài cá biết leo cây ở vùng biển xứ Thanh
17/04/2018 16:13:04
Được mệnh danh là một trong những loài cá kì dị nhất hành tinh, cá còi có hình thù kì dị, vừa có thể bay trên cạn, vừa bơi được ở dưới nước, là loài cá đem lại thu nhập cao cho người dân vùng biển.

Loài cá biết leo cây

Tên “cá còi” khá xa lạ đối với nhiều người, nhưng với dân vùng biển, đặc biệt là người dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì lại vô cùng quen thuộc. Từ khi sinh ra, trẻ con ở đây đã được bắt cá còi, ăn thịt cá còi.

Cá còi còn được gọi là cá thòi lòi, thuộc họ cá bống trắng, vừa có mang, vừa có phổi, cá còi di chuyển nhanh nhạy cả dưới nước và trên bờ. Hình thù xấu xí, con to nhất dài chỉ 20cm, chúng sống chủ yếu ở vùng hạ lưu sông và ở những vùng biển khu vực nhiệt đới. Những khu vực có nhiều loài cá này là Ấn Độ, Australia, Đông Nam Á…

Người dân tranh thủ bắt cá còi khi thủy triều xuống

Cá còi dài chừng 10 - 15cm, lớn bằng ngón tay, mắt lòi ra, đầu hình cá trê với hàm răng sắc nhọn, da màu đen có nhiều hoa văn như những hình xăm với hình dáng giống cá bống. Đặc biệt, thịt cá rất thơm được mọi người ví “cá còi béo hơn thịt lợn”.

Khoảng độ hơn chục năm trở lại, cá còi được yêu thích ở thị trường Trung Quốc, vì thế nghề săn cá còi để xuất khẩu càng trở nên “hot”, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Khoảng độ từ tháng Giêng đến cuối tháng 5 (âm lịch) hàng năm là thời điểm vàng để người dân xã Đa Lộc đi săn cá còi, bởi mùa này cá nhiều, đồng thời cũng là mùa sinh sản của cá còi.

Nghề bắt cá theo mùa vụ nhưng mang lại thu nhập cao cho người dân.

Vào mỗi buổi sáng, lần theo con nước khi thủy triều xuống (ngày trước cách ngày sau 1 tiếng đồng hồ), bà con từ các thôn Đông Thành, Vạn Thắng, Đông Hải, Đông Hòa… í ới nhau xách giỏ, dụng cụ cùng đi bắt cá.

Theo người dân địa phương, cá còi vừa biết lặn, chạy trên mặt nước, trên cạn, vừa biết leo cây… Chúng sống ở cửa sông, biển, nơi có mực nước không cao, lên xuống hằng ngày. Cá thường đào hang, lỗ để sinh sống, khi thủy triều rút thì chúng kéo lên mặt bùn kiếm ăn và phơi nắng, nếu thấy tiếng động hay có bóng người lập tức chúng lao ngay xuống hang ẩn nấp.

Kiếm bạc triệu mỗi ngày

Bắt cá còi cũng cần nhiều kĩ năng, khéo léo và chăm chỉ, để bắt được loài cá kì lạ này, người dân đã chế tạo ra loại cần câu bằng thân cây trúc với chiều dài mỗi cần từ 1,5 - 2m, cước phải chọn cước đúc sợi nhỏ màu sáng, lưỡi câu buộc chùm không ngạnh.

Không cần mồi câu như thông thường, khi phát hiện thấy cá phải đứng im quan sát, nhắm hướng và vung cần chính xác và nhanh về phía con cá. Ngoài ra, người dân có thể dùng đôi tay để đào theo dấu vết hang, ngách mà cá đang ẩn trốn dưới bùn.

Người dân vùng biển Hậu Lộc yêu thích nghề bắt cá còi

Bà Nguyễn Thị Tươi, một người phụ nữ đã có kinh nghiệm bắt cá còi nhiều năm chia sẻ: “Nếu muốn bắt được nhiều cá, ngoài nhanh tay, nhanh mắt thì những người thợ phải có sự phán đoán theo dấu vết cá để lại sau những lần chúng đi kiếm ăn rồi quay về tổ. Dụng cụ đựng cá phải bằng giỏ tre nhằm thoáng khí, có ít bùn, nước lọt vào cá mới sống lâu, khi bán sẽ được giá cao. Hiện nay cá kèo có giá từ khoảng 200- 220.000 đồng/kg”.

“Công việc bắt cá phụ thuộc vào thủy triều lên xuống, mỗi tháng, chúng tôi có 15 ngày xuống biển, mỗi ngày khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ là nước lên. Thông thường đầu con nước thời gian bắt cá kéo dài hơn, người bắt giỏi cũng kiếm được 600 - 800.000 đồng, người bắt kém cũng được độ 300 - 400.000 đồng. Càng về cuối con nước, cá càng giảm bớt và nước lên nhanh nên bắt được ít hơn”, chị Lê Thị Liên (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho hay.

Cá còi có thân mình nhỏ nhưng thịt thơm ngon, giá thành cao

Sau những buổi săn bắt cá, mặc dù mệt nhọc, vất vả, những đôi tay xù xì, nhợt nhạt do ngâm nước quá lâu, thậm chí còn bị thương chảy máu do va phải đá, hay các vật sắc nhọn dưới lớp bùn thế nhưng niềm vui luôn thường trực trên môi những người thợ bắt cá.

Ở trên bờ, những thương lái đã túc trực sẵn để thu mua cá, cá này sẽ được đem đi xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Vì thế, người dân chưa bao giờ lo cá bị ế.

Đối với những gia đình có nhiều nhân công từ 2 – 3 người trở lên, một ngày có thể kiếm được cả triệu bạc nhờ bắt cá còi là chuyện dễ hiểu.

Nói về nghề săn cá còi của địa phương, ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết, mặc dù nghề bắt cá còi chỉ là công việc phụ theo mùa vụ, nhưng là truyền thống lâu đời của bà con.

“Những năm gần đây, do diện tích bãi bồi giảm nên số lượng cá cũng ít dần đi, tuy nhiên, giá cá còi lại tăng cao do nhu cầu thương lái mua rất lớn, nhiều khi không có đủ hàng để bán. Bà con rất phấn khởi bởi công việc này mang lại thu nhập cao”, ông Đỉnh nói.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến