Dòng sự kiện:
Người biên soạn sách giáo khoa phải có trình độ đại học trở lên
01/02/2018 21:48:03
Theo quy định mới nhất về biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa (SGK) vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, người biên soạn SGK phải có trình độ đại học trở lên.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, SGK có thể được chỉnh sửa; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là người phê duyệt, cho phép sử dụng SGK…

Thông tư được Bộ GD-ĐT ban hành, quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ có hiệu lực từ ngày 6-2-2018. Trong đó, nguyên tắc biên soạn SGK phải: Phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, tuân thủ hiến pháp, pháp luật; cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học và hoạt động giáo dục; gắn với điều kiện cụ thể Việt Nam và phù hợp xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới, bảo đảm tốt nhất lợi ích người học. Các bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi học sinh.

Người biên soạn SGK ngoài tiêu chí có trình độ đại học trở lên cần am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với SGK được biên soạn; có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt. Tổ chức, cá nhân biên soạn SGK sẽ đăng ký và nộp bản thảo sách đến nhà xuất, bản bảo đảm theo đúng các quy định. Nhà xuất bản tổ chức biên tập, hoàn thành bản mẫu SGK và phối hợp với tổ chức, cá nhân biên soạn triển khai việc thực nghiệm SGK. Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định bản mẫu SGK theo quy định.

Quá trình thực hiện thẩm định sẽ do Vụ Giáo dục Tiểu học và Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) tổ chức. Việc trực tiếp thẩm định do Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được Bộ trưởng GD-ĐT thành lập (với số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 7 người, do đơn vị tổ chứ đề xuất), theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học. Người tham gia biên soạn SGK sẽ không tham gia thẩm định SGK. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ đánh giá, xếp loại bản mẫu SGK theo ba loại: Đạt, đạt nhưng cần chỉnh sửa và không đạt. Trên cơ sở thẩm định, Bộ trưởng GD-ĐT xem xét phê duyệt, cho phép sử dụng SGK...

Theo Nhân dân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến