Dòng sự kiện:
Người cao tuổi ăn tết thế nào để không hại sức khoẻ
07/02/2018 07:35:22
Người cao tuổi nên giảm chất béo trong bữa ăn, ăn đầy đủ dinh dưỡng, không thay đổi quá nhiều, quá đột ngột về số lượng cũng như chất lượng bữa ăn.

Người già cần phải giảm chất béo trong bữa ăn

Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, vào dịp tết, chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi phải đặc biệt chú trọng vì cơ thể người già đã bị lão hóa.

Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa bắt đầu suy giảm hiệu quả hoạt động, thị lực giảm, răng yếu, mũi kém nhạy, tuyến nước bọt tiết ít, khiến người cao tuổi cảm thấy ăn không ngon miệng, làm ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của tuổi già.

Chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi phải đặc biệt chú trọng (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu cao ở người cao tuổi sẽ cao hơn rất nhiều. Vì thế, ngoài việc duy trì cơ thể khỏe mạnh là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một việc vô cùng quan trọng với người cao tuổi.

Do việc tiết men lipase tiêu hóa chất béo giảm nên người cao tuổi khó tiêu hóa hấp thu chất béo và các hoạt động thể lực của người cao tuổi cũng giảm nên dễ dẫn đến dư thừa chất béo, nếu bị thừa chất béo sẽ dễ bị thừa mỡ trong máu, gây nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, có thể bị xuất huyết não.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Sơn, nói người cao tuổi cần giảm chất béo trong bữa ăn là không hoàn toàn chính xác. Người cao tuổi chỉ nên giảm tiêu thụ các loại chất béo “có hại” cho sức khỏe, ví dụ như hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu cholesterol (như bơ, mỡ động vật các loại), phủ tạng động vật (óc, tim, gan, thận, bầu dục, lòng lợn, tiết canh).

Còn đối với các loại chất béo có lợi cho sức khỏe, ví dụ như các loại axit béo omega 3 (có nhiều trong các loại cá hồi, cá thu, một số loại hạt như hạt óc chó, hạt lanh, dầu thực vật…). Axit béo omega 3 đã được chứng minh có rất nhiều lợi ích với các bệnh tim mạch, tiểu đường, một số loại ung thư và bệnh thận. Do vậy, người cao tuổi nên chú ý bổ sung chất béo dưới dạng axit béo omega 3.

Lưu ý thực phẩm nên ăn và những thực phẩm hạn chế trong dịp tết

Bác sĩ Sơn cho biết, trong dịp Tết, người cao tuổi nên cố gắng bám sát bữa ăn của ngày thường, không thay đổi quá nhiều, quá đột ngột về số lượng cũng như chất lượng bữa ăn, món ăn. Tránh ăn quá no, do ngày tết thường sẽ tang các bữa ăn phụ vì vậy các bữa chính nên ăn 80-90% so với thường ngày, bù phần thiếu vào các bữa ăn phụ. Nên ăn uống đúng giờ.

Nên ăn thịt nạc, cá, đậu phụ, cơm tẻ. Ăn giới hạn các thức ăn có nhiều mỡ như thịt nấu đông, giò mỡ, giò thủ, thịt mỡ, lòng, mề, gan. Hạn chế ăn đường, đồ ngọt như các loại bánh, mứt, kẹo... Trong những ngày Tết, việc uống rượu, bia thường là không thể tránh khỏi, nhưng uống thể nào để vui vẻ, nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe người cao tuổi là rất quan trọng, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.

Trước bữa ăn có thể dùng chút rượu nhẹ như rượu vang (dưới 100 ml/bữa ăn, dưới 300ml/ ngày) để khai vị. Tuy nhiên, không nên cố mời, cố ép các cụ uống rượu bia, và bản thân người cao tuổi cũng đừng vì quá vui bạn bè hay chiều lòng con cháu mà uống nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt người mắc bệnh về dạ dày, hen suyễn, tiểu đường, tăng huyết áp…

Ngoài ra, nên tăng cường ăn bổ sung thêm các loại rau xanh như rau ngót, cải cúc, súp lơ xanh, cà chua, cà rốt,... các loại gia vị (hành, tỏi, húng, mùi, thì là, mùi ...), các loại quả chín như cam, quýt, đu đủ, chuối…Nếu được nên chế biến thực phẩm dưới dạng luộc, hấp, tránh chiên, xào, rán, nướng, quay. Cũng nên ăn đồ ăn nóng sốt, không nên ăn đồ nguội, đã để tủ lạnh lâu ngày.

Chuyên gia khuyên chế độ ăn hợp lý cho người già?

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn, chế độ ăn hợp lý dành cho người cao tuổi, vào bất cứ thời điểm nào trong năm, chứ không chỉ là dịp lễ tết là phải đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng:

Nhóm cung cấp chất bột đường: Bao gồm cơm, mỳ, bún phở, khoai củ… nên ăn mức vừa phải, chỉ nên ăn 1- 2 lưng bát cơm 1 bữa, nên ăn thêm khoai củ để cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón cho người cao tuổi. Không nên ăn quá nhiều chất ngọt hấp thu nhanh như: Bánh kẹo, nước ngọt có ga, quả chín quá ngọt vì dễ gây tăng đường máu dẫn đến bệnh đái tháo đường.

Nhóm cung cấp chất đạm (protein): Do giảm tiêu hóa hấp thu nên người già dễ bị thiếu chất đạm dẫn đến gày yếu, trí nhớ kém, suy giảm hệ thống miễn dịch hay bị ốm đau, vì vậy người già cần chú ý bổ sung đầy đủ chất đạm. Nguồn cung cấp chất đạm là: Thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ lạc vừng… Nên ưu tiên ăn nhiều đậu, đỗ, cá, tôm, người cao tuổi nên ăn thịt ở mức vừa phải.

Nhóm cung cấp chất béo: hạn chế ăn các loại thực phẩm giàu cholesterol, chú ý ăn tăng cường bổ sung các loại chất béo có lợi như axit béo omega 3.

Nhóm cung cấp các vitamin và khoáng chất: Chủ yếu do rau xanh và quả chín cung cấp. Ngoài ra, cũng nên uống bổ sung thêm các vitamin hoặc khoáng chất theo chỉ dẫn của bác sỹ vì có thể ăn uống của người cao tuổi không đảm bảo được đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể.

Người già dễ bị thiếu nước nên nếu chỉ uống nước khi khát là chưa đủ, vì khi chưa khát đã bị thiếu nước rồi. Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít. Uống ít một, cứ 30 phút lại uống một lần, mỗi lần 100 – 200ml, tập thói quen uống nước ngay cả khi không khát, nên uống nhiều vào ban ngày, buổi tối nên uống hạn chế để giảm số lần đi tiểu.

Người cao tuổi nên uống các loại nước: Nước đun sôi để nguội, nước trà xanh, nước hoa quả ít đường (nước dưa chuột, củ đậu, bí xanh, cà rốt…) vừa cung cấp ít đường lại giàu vitamin và khoáng chất.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến