Dòng sự kiện:
Người dân Hà Nội 'hiến kế' thoát khỏi nỗi ám ảnh hương hoa sữa
01/12/2017 10:23:38
Mỗi khi đi qua những "cung đường hương hoa sữa" là choáng váng, khó thở, buồn nôn, người dân Hà Nội đã "hiến kế" để thoát khỏi nỗi ám ảnh này.

Hương hoa sữa đã từ lâu đã trở thành mùi hương của Hà Nội để người đi thì nhớ, người ở thì thương. Nhưng hiếm năm nào, mà hoa sữa nở rộ cùng một thời điểm như năm nay. Những gốc sữa được đơm trắng bởi hoa và hương thơm đặc quánh trong không khí.

Người dân Hà Nội không thể lãng đãng hát “mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió” được nữa mà họ cảm thấy đau đầu, khó thở, chóng mặt, buồn nôn với mùi hương đậm đặc này.

Với người này, hương hoa sữa gọi về những kỷ niệm xưa, nhưng với người khác nó gọi về nỗi ám ảnh khủng khiếp. Bởi lẽ, các cây hoa sữa được trồng quá dày trên các con đường.

Anh Nguyễn Trọng Trường (Từ Liêm, Hà Nội) thốt lên: “70 cây hoa sữa trồng dồn trên chưa đầy 2km thật quá khủng khiếp. Ngày nào tôi cũng bị tra tấn bởi hương hoa sữa trên đường từ nhà đến cơ quan và từ cơ quan về nhà”.

Khi lạc vào những cung đường hoa sữa như Lạc Long Quân, Nguyễn Chí Thanh, Trung Hòa, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Duy Tân, Quán Thánh, Lê Quang Đạo, Lê Đức Thọ, Lò Đúc... không ít người nhăn mặt hay đeo khẩu trang kín mít.


 Hương hoa sữa không còn nồng nàn trong những câu hát mà trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Hà Nội (Ảnh Facebook Thang Tran).

Nhà báo Vũ Ngọc Sơn trách nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả bài hát “Hoa sữa”: “Tại bác Hồng Đăng viết về hoa sữa hay quá nên một thời các thành phố, thị tứ xin giống cây này về trồng để tăng thêm... vẻ lãng mạn. Nghe nói thời điểm sáng tác bài “Hoa sữa”, bác Hồng Đăng trước đó chưa nhìn thấy hay được thưởng ngoạn mùi hương này lần nào”.

Những gia đình sinh sống ngay trên những “cung đường ướp hương” ấy mới thấu hiểu hơn ai hết nỗi khổ mang tên 3 cái "quá" – quá mạnh, quá nồng, quá nhiều.

Chị La Thị Phương, một nhân viên văn phòng tâm sự: “Khu chung cư nơi chị sống bị bủa vây bởi cả chục cây hoa sữa. Có đêm chị mất ngủ vì hương thơm quá hắc. Mặc dù đóng cửa kín mít mà nó vẫn len lỏi vào trong nhà được. Đến cả ly cà phê buổi sáng cũng bị lẫn mùi hoa sữa. Mẹ ruột chị lên thăm cháu mấy hôm không chịu được nên đòi về quê”.

Trao đổi với phóng viên An ninh tiền tệ, bác sĩ đông y Trần Thịnh cho biết: “Cùng chung môi trường nhưng phản ứng của từng người cũng khác. Có người chịu được nhưng cũng có người mẫn cảm hơn, sức khỏe yếu hơn thì thấy khó chịu”.

Bác sĩ Trần Thịnh cho biết thêm, hoa sữa tỏa hương mạnh nhất từ 17h cho đến 5h sáng. Nếu hít nhiều hương hoa sữa dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở đặc biệt với những người bị viêm xoang và ho hen. Hoa và quả của cây hoa sữa có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Theo ông Trần Thịnh, một con đường chỉ nên có một hay hai cây hoa sữa, trồng nhiều dễ phản tác dụng.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bác Trương Thị Thanh Thúy, giáo viên nghỉ hưu nói: “Tôi nghĩ nên chặt bớt cây hoa sữa để trồng xen với các loại cây khác. Biện pháp trước mắt là cắt tỉa bớt cành hoa sữa để không khí thoáng đãng hơn”.

Đồng ý với bác Bình, bạn Lê Thủy Tiên, sinh viên Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn (Đại học Quốc Gia Hà Nội) tâm sự: “Mặc dù đã từng rất yêu những đêm dạo phố hít hà hương hoa sữa lành lạnh cho căng đầy lồng ngực nhưng tôi nghĩ nên đánh chuyển một số cây hoa sữa ra khu vực ngoại thành, giảm mật độ cây trên các tuyến phố như Kim Đồng, Nguyễn Du, Kim Mã... Lãng mạn là một chuyện còn khi đã ảnh hưởng đến sức khỏe thì lại là chuyện khác”.

Trước đó, nhiều nơi như tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Quy Nhơn (Bình Định) và tỉnh Trà Vinh...người dân đã kiên quyết yêu cầu chặt bỏ loài cây dường như chỉ... thơ mộng trong thơ ca.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến