Dòng sự kiện:
Người dân hoang mang vì một vụ án xử đi xử lại
13/03/2015 12:00:28
ANTT.VN - Tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 13/3, đặt ra vấn đề về giải pháp tránh oan sai cho Chánh tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ: Nhiều vụ án nghiêm trọng xét xử đi xét xử lại khiến người dân rất hoang mang, vì cùng một hành vi, cùng một vụ án mà có 3 bản án khác nhau.

Tin liên quan

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tòa án có quyền buộc tội thì người buộc tội là thẩm phán chứ không phải tòa án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa mới là người chịu trách nhiệm. Người xử mà xử oan thì người đó phải chịu tội. Kiểm sát viên mà truy tố, cáo trạng mà cáo sai buộc sai thì kiểm sát viên phải chịu tội, xem xét có trách nhiệm. "Chúng ta có làm minh bạch như thế được không? Lịch sử ngành tòa  án đã tự tìm ra cái sai của mình chưa? Khi tìm ra cái sai thì đã xử thế nào, xử nghiêm chưa?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi cho Chánh án tòa án Nhân dân tối cao

Trả lời câu hỏi chủ tịch Quốc hội, tòa án có tự xác định có oan sai hay không, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: “Theo quy định, mỗi cấp tòa án có quyền xét xử độc lập, có trình tự xét xử sơ thẩm mà có sai thì sẽ có phiên tòa phúc thẩm. Đối với án hình sự, xét xử sơ thẩm mà có sai, kháng cáo, kháng nghị thì trong quá trình xét xử còn thời hiệu, phiên tòa phúc thẩm sẽ xem xét vụ án, nếu kháng cáo, kháng nghị đúng thì phúc thẩm sẽ sửa sơ thẩm. Sửa trong trường hợp oan, tòa phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội thì đó chính là toà án tự sửa.

Nếu án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị không có phúc thẩm thì vẫn có cấp giám đốc thẩm, nếu có căn cứ thì kháng nghị hội đồng giám đốc thẩm sẽ xem xét nếu như xác định oan thì sẽ đình chỉ lại vụ án cũng chính là tòa án tự sửa.

Nhiều vụ án, tòa án cấp trên sửa án tòa cấp dưới trong đó có nhiều vụ là án oan. Chánh án cũng có văn bản quy định trong các tòa án tự mình sau khi xét xử trong một số vụ án phải gửi tài liệu, hồ sơ để tòa án nhân dân tối cao kiểm tra, giám sát khi phát hiện có sai sẽ kháng nghị, nếu có oan thì phải giải oan (đình chỉ điều tra, hoặc xét xử lại).

Chánh án tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình

Khi xác định bản án có oan sai, có nhiều hình thức xử lý với thẩm phán. Oan mà không nghiêm trọng, không phải do lỗi chủ quan trong quá trình xem xét tái bổ nhiệm thì chánh án sẽ không bổ nhiệm lại. Khi để xảy ra oan thì tự bản thân tòa án phải tổ chức kiểm điểm hội đồng xét xử, kiểm điểm thẩm phán để xác định trách nhiệm, đánh giá việc oan là chủ quan hay khách quan, sau đó là xem xét nếu sai lầm nghiêm trọng thì có thể đình chỉ xét xử. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật cố ý để oan thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không cố ý, mức độ không nghiêm trọng không xem xét về trách nhiệm hình sự thì xem xét về trách nhiệm bồi thường làm oan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm: “Tất cả những vụ xét xử rồi mà oan sai, kết án rồi mà oan sai dù nó sai ở đâu, dù sai ở điều tra, dù sai từ kiểm sát viên, qua xét xử rồi, quyền xét xử là ở tòa án, quyền buộc tội là ở tòa án, quyền tuyên vô tội là ở tòa án, nếu để oan sai thì trách nhiệm là ở tòa án, nói cho cùng, nếu để công dân bị buộc tội oan sai thì trách nhiệm thuộc về tòa án, người trực tiếp chịu trách nhiệm là thẩm phán chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử".

Người chịu trách nhiệm tinh thần chính trị cao nhất là chánh án tòa án tối cao. Không thể nói tại Công an, kiểm sát sai. Nếu xét xử sai, có oan sai thì thẩm phán phải chịu trách nhiệm tùy mức độ. Công dân chỉ coi là có tội khi bản án được buộc tội và kết tội có hiệu lực thi hành, được chứng minh đúng trình tự pháp luật. Bất kể oan sai ở đâu thì tòa án phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Công dân để đảm bảo công bằng”.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nếu như vụ án được truy tố, khi đã đưa ra xét xử từ sơ thẩm trở đi, hậu quả để oan sai thì tòa phải chịu trách nhiệm. Nếu chưa qua xét xử thì trách nhiệm của giai đoạn thụ lý của cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm điều tra thì điều tra chịu, trách nhiệm của kiểm sát thì kiểm sát chịu.

Trả lời về vụ án Huỳnh Văn Nén liên tục kêu oan, Chánh án toàn án Nhân dân tối cao khẳng định, đây là trách nhiệm của Viện kiểm sát Nhân sân tối cao và Tòa án Nhân dân tối cao. Các cơ quan tham mưu không kịp thời đánh giá đúng, tức là có xem xét nhưng trên hồ sơ thấy thể hiện đã đủ căn cứ đã không xem xét kỹ, khi có tố giác thì mới đặt vấn đề xem xét lại. Viện kiểm sát xác minh đúng là như vậy và có kháng nghị để giải quyết lại.

Theo ông Bình, trước đây, chủ yếu theo xét hỏi trên hồ sơ để giải quyết vụ án, xem chứng cứ hồ sơ mà thiếu tranh tụng, đánh giá tòa diện mà dẫn đến án oan. Trên tinh thần mới về cải cách tư pháp, xem xét toàn diện vụ án sẽ là nỗ lực lớn để khắc phục. Vụ Huỳnh Văn Nén đã có kháng nghị, giám đốc thẩm đã hủy bản án, giao điều tra trở lại từ giai đoạn sơ thẩm do vậy mà kết quả tới đây có oan hay không oan phụ thuộc vào kết quả điều tra.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ những băn khoăn

Theo đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền vẫn còn băn khoăn trong việc đưa ra các giải pháp đột phá khắc phục tình trạng oan sai. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, nhiều vụ án nghiêm trọng xét xử đi xét xử lại khiến người dân rất hoang mang, vì cùng một hành vi, cùng một vụ án mà có 3 bản án tuyên án khác nhau: 1 bản án tử hình, 1 bản án chung thân, 1 bán án không phạm tội vì vậy mà cần tăng cường biện pháp chống bỏ lọt, chống làm oan. 

Thu Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến