Đó là câu chuyện cảm động về ý chí vươn lên hoàn cảnh của ông Lê Quang Tý (SN 1960), trú tại thôn 2, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa. Ngày nào cũng vậy, ông lăn xe đi từ rất sớm quanh các con phố cắt tóc kiếm tiền, đến chiều tối mới trở về.
Nghị lực phi thường của người... không bình thường
Ông Tý sinh ra trong một gia đình nghèo đói, bố mẹ mất sớm. Năm lên 3 tuổi, sau một trận sốt rét dài ngày, chân tay của ông bỗng co quắp lại, không thể tự đi được.
“Năm tôi lên 3 tuổi, sau một trận sốt rét, chân tay tôi tự nhiên teo lại, không thể đi lại được. Bố mẹ lại mất sớm, nhà chỉ có hai chị em nên hàng ngày chị tôi thường cõng tôi đi lang thang khắp nơi xin ăn”, ông Tý tâm sự.
Ý thức được số phận hẩm hiu và hoàn cảnh khó khăn của mình nên khi lên 10 tuổi ông đã biết đan lát để kiếm thêm tiền phụ chị đong gạo. Hàng ngày, chị ông đi xin tre về để ông ngồi đan rổ rá rồi mang ra chợ bán.
Dù ngồi trên xe lăn, đôi tay co quắp nhưng tay nghề của ông Tý không kém các thợ cắt tóc ở tiệm là mấy.
Khi người chị đã lập gia đình ở xa, thay vì theo chị, ông chọn ở lại trong một túp lều. Ngày ngày ông ngồi đan lưới, rổ rá; đêm đến lại đóng gạch thuê.
Ông Nguyễn Văn Can (85 tuổi) người địa phương cho biết: “Ngày trước khi chị nó (ông Tý - PV) lấy chồng, nó thường lê cái ghế có bánh xe đi xin tre về đan rổ rá. Đêm đến lại hì hục đóng gạch cốm thuê để kiếm thêm tiền đong gạo”.
Với bản tính siêng năng, cần cù lại thật thà nên ông Tý được hàng xóm thương mến. Cảm kích trước nghị lực phi thường của ông, nhiều cô con gái thời đấy muốn được kết tóc trăm năm với ông. Năm 1990, được sự động viên của bà con hàng xóm, ông lập gia đình cùng bà Vũ Thị Sửu (SN 1961) người địa phương.
Tiệm cắt tóc lưu động
Hằng ngày, ông đan rổ rá, đan lưới còn bà thì gánh thành phẩm đi bán. Cuộc sống tuy thiếu thốn, nghèo đói nhưng ông bà rất hạnh phúc với hai cô con gái.
Khi hạnh phúc đang chớm nở thì tai họa lại ập đến với ngôi nhà nhỏ. Năm 1993, sau khi hạ sinh cô con gái út cũng là lúc bà Sửu mắc phải bệnh khớp nặng, thường xuyên đau nên không làm được việc nhiều. Mọi gánh nặng cơm áo đè lên đôi vai tật nguyền của ông.
Hàng ngày, ông phải lết cái ghế có bánh xe đi khắp nơi xin việc làm để có tiền. Từ đan lát đến sửa nồi, niêu, sửa chữa xe đạp… Thương cảm trước hoàn cảnh của ông, năm 1995, Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng ông một chiếc xe lăn để có thể đi lại dễ dàng hơn.
Dù đau ốm, nhưng mỗi khi nghe tiếng xe ông về bà Sửu lại gắng gượng ra đón
Dù làm đẹp, bền nhưng rổ rá của ông cũng không thể cạnh tranh đồ nhựa, trong khi công sức bỏ ra lại nhiều. Vì thế, ông đã quyết định chuyển nghề đề mưu sinh. Nhận thấy những người muốn cắt tóc phải đi ra tiệm mất thời gian nên ông đã chọn nghề cắt tóc dạo.
Hàng ngày ông lăn xe đi khắp các gõ ngách, gặp ai cũng chào mời, nhưng nhìn thấy ông kỳ lạ, chân tay lại co quắp nên không ai giám cho ông cắt. Để cho mọi người tin tưởng nên thời gian đầu ông cắt miễn phí.
Ông Tý cho biết: “Thời gian đầu tôi làm nghề gặp rất nhiều khó khăn, vì thấy hình hài tôi dị nên không ai muốn để tôi cắt. Tôi phải cắt miến phí để tạo thương hiệu, cả ngày lặn lội ngoài đường mà chẳng kiếm được đồng nào”.
Trong chiếc xe lăn nhỏ của ông Tý luôn đầy đủ các loại dụng cụ cắt tóc, từ dao lam, tông đơ cho đến kéo… chẳng khác gì một tiệm cắt tóc lưu động. Khi mọi người đã tin tưởng vào tay nghề của ông, chỉ cần nghe chiếc loa của ông trên đường, những ai có nhu cầu đều gọi ông vào cắt, thay vì đi ra tiệm tốn kém, mất thời gian.
Ông Đoàn Văn Nhất (68 tuổi) là khách quen của ông Tý cho biết: “Tay nghề của ông Tý chẳng khác gì các thợ cắt tóc ở tiệm, giá lại rẻ nên nhiều người nghe thấy tiếng loa của ông lập tức gọi ông”.
Ngày nào cũng vậy, khi trời tờ mờ sáng, ông lại lọ mọ lăn xe ra ngõ đi làm, đến 8h tối mới đánh xe về nhà. Vất vả là vậy, nhưng số tiền ông kiếm được cũng chẳng được là bao.
Bà Vũ Thị Sửu, vợ ông cho biết: “Trước khi trời sáng, ông nhà tôi đã dậy gói cơm vào túi ni lông rồi lọc cọc đẩy xe đi làm. Tôi rất lo lắng, không biết khi lên dốc có ai đẩy giúp không, rồi những ngày trời mưa, ông ấy sẽ ra sao, xe có bị chết máy giữa đường hay không”.
Dù lo lắng, thương chồng, nhưng bà chỉ biết cầu trời khấn phật phù hộ cho ông. Những đứa con của ông, khi đến tuổi ăn học cũng muốn được đến trường như chúng bạn nên không giúp được bố mẹ nhiều.
Kể về những tai nạn khi phải đi cắt tóc dạo, ông Tý cho biết: “Nhiều lần tôi bị ngã xe, hay lao xe xuống vực, rất may mà có người thấy thấy kéo lên. Hằng ngày phải đi hơn 20km rất vất vả và nguy hiểm, nhưng không đi thì không có tiền”.
Giờ đây, đứa con gái đầu của ông bà đã yên bề gia thất tại Thành Phố Hồ Chí Minh, nên không giúp được bố mẹ là bao, còn đứa con gái út hiện đang học năm thứ 3 Đại học Hồng Đức. Nên dù đã gần 60 tuổi nhưng ông vẫn chưa một phút được nghỉ ngơi.
Ông Lê Chí Hùng, Chủ Tịch UBND xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa cho biết: “Gia đình ông Lê Quang Tý thuộc diện khó khăn nhất trong xã. Bản thân ông là lao động chính nhưng bị tàn tật, lại phải nuôi vợ bệnh tật và lo cho các con học tập. Hội LHPN thành phố và Chi hội Phụ nữ xã đang quyên góp để xây dựng lại nhà cho ông bà”.
Hoàn cảnh của ông Lê Quang Tý rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Lê Quang Tý, thôn 2, xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Số điện thoại 01695612690. Hoặc gửi về Văn phòng đại diện tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên - Báo điện tử người đưa tin qua số tài khoản: 220 0101 0767776, Ngân hàng MaritimeBank, chi nhánh Nghệ An. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển số tiền của quý bạn đọc đến tận nơi cho gia đình ông Tý một cách công khai, minh bạch. |
Hà Khải
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy