Dòng sự kiện:
'Người' Hạ tầng Bến Nghé lên nắm quyền tại siêu dự án Nhà Rồng - Khánh Hội
09/04/2020 14:24:14
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, ‘đứa con chung’ của Vingroup, Cảng Sài Gòn và Hạ tầng Bến Nghé, vừa công bố thay thế Giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật.

Siêu dự án Nhà Rồng – Khánh Hội và “đứa con chung” Ngọc Viễn Đông

Tháng 12/2011, Thủ tướng có văn bản 2471/TTg-KTN cho phép Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (sau này là CTCP Cảng Sài Gòn) thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án trên khu Nhà Rồng - Khánh Hội. Cảng Sài Gòn “bắt tay” góp vốn cùng hai đối tác Tập đoàn Vingroup và Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông.

Ngọc Viễn Đông được thành lập tháng 1/2014 với vốn điều lệ 1.152,85 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup là cổ đông lớn nhất - chiếm 45%, Hạ tầng Bến Nghé sở hữu 29% còn lại Cảng Sài Gòn góp 300 tỷ đồng tương đương 26% bằng giá trị cầu tàu tại khu Nhà Rồng - Khánh Hội. Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Ngọc Viễn Đông khi ấy là bà Phạm Thị Huyền Nga - lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup.

Phối cảnh siêu dự án Nhà Rồng - Khánh Hội

Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông là chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội. Dự án có tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng.

Dự án khu phức hợp Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sở hữu vị trí trải dài ven sông Sài Gòn và mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, Quận 4. Quy mô dự án bao gồm: khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ; căn hộ (3.116 căn); biệt thự (32 căn), trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở; trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo như phê duyệt tại Quyết định số 6331/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND TP.HCM về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tiểu khu Cảng quận 4, Phường 12, 13 và 18, Quận 4.

Ngày 31/8/2017, Cảng Sài Gòn đã ký biên bản bàn giao khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội cho Ngọc Viễn Đông. Cuối năm 2019, doanh nghiệp dự án đã tạm ứng ngắn hạn cho Cảng Sài Gòn 79 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cảng Sài Gòn Hiệp Phước, và tạm ứng dài hạn 850 tỷ đồng để đẩy nhanh công tác di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Tính đến ngày 31/12/2019, việc bàn giao vẫn chưa hoàn thành.

 Đổi người nắm quyền

Tháng 6/2016, Ngọc Viễn Đông tăng mạnh vốn lên 5.400 tỷ đồng. Với việc Cảng Sài Gòn và Vingroup không góp thêm vốn, cơ cấu sở hữu của dự án có sự thay đổi đáng kể, Hạ tầng Bến Nghé trở thành công ty mẹ và sở hữu phần vốn chi phối 84,82%, Vingroup và Cảng Sài Gòn còn lần lượt 9,62% và 5,56%.

Mới đây, khi có thông báo ông Nguyễn Ngọc Dương sẽ thay bà Phạm Thị Huyền Nga, trở thành Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật của Ngọc Viễn Đông, nhiều người hoài nghi “liệu Ngọc Viễn Đông có bổ nhiệm ‘người’ của Hạ tầng Bến Nghé như cách mà công ty này trước đây đã chọn Giám đốc là ‘người’ của cổ đông lớn nhất - Vingroup?”

Tìm hiểu về ông Dương, được biết ông sinh năm 1974 đang đứng tên tại khoảng 10 doanh nghiệp với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng, như: Sàn giao dịch BĐS Sunny World, CTCP Đầu tư Tân Thuận Nam, Công ty TNHH Sunny Square, CTCP Prime Star...

Các doanh nghiệp này đều có liên hệ mật thiết, nếu không muốn nói là cùng một "group" với Hạ tầng Bến Nghé. Có thể hiểu rằng, sau 4 năm nắm cổ phần chi phối, Hạ tầng Bến Nghé mới cử đại diện làm Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dự án Nhà Rồng - Khánh Hội.

Liên quan đến dự án, năm 2019, CTCP Đường Khánh Hội – chủ sở hữu 100% vốn của Hạ tầng Bến Nghé đã hoàn tất thâu tóm khu đất rộng 16.683 m2 tại 145-147 Nguyễn Tất Thành (nằm ngay cạnh dự án Nhà Rồng - Khánh Hội) từ CTCP Logistics Vinalink.

Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé được thành lập ngày 24/11/2010. Doanh nghiệp có trụ sở chính tại số 8 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn Hưng, sinh năm 1985.

Trải qua 4 năm hoạt động, Hạ tầng Bến Nghé có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 2 thành viên là: Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) sở hữu 94% và ông Trần Sơn Hà (sinh năm 1983) với 6% vốn điều lệ.

Không chỉ là nhà đầu tư, ông Trần Sơn Hà còn được biết đến trên vai trò Giám đốc kiêm người đại diện của Công ty TNHH Nhựa Toàn Sơn Hà, có địa chỉ tại đường 3/2, Phường 12, Quận 11, Tp. HCM.

Còn Vạn Thịnh Phát, như đã biết, là một “đại gia” bất động sản lớn bậc nhất tại TP. HCM. Trong quá trình lên kế hoạch chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Vạn Thịnh Phát và nhiều “ông lớn” bất động sản khác từng được cho là đã ngỏ ý muốn đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, khi thực hiện đàm phán với Cảng Sài Gòn, tập đoàn này đã bất ngờ xin rút lui. Sự việc này cũng một thời tốn nhiều giấy mực của truyền thông, nhất là thời điểm diễn ra phiên tòa.
Thúy Quỳnh (t/h)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến