Dòng sự kiện:
Người nhận bằng giả của trường ĐH Đông Đô đòi lại tiền mua bằng
23/12/2021 20:37:39
Trước ý kiến muốn đòi lại tiền của những người được cấp bằng giả, chủ tọa phiên tòa cho rằng, số tiền họ đóng buộc phải sung công quỹ.

Chiều 23/12, phiên tòa xét xử vụ trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả tiếp tục với phần thẩm vấn.

Trình bày tại tòa, bà Nguyễn Thị Hiền, người được gần 100 học viên ủy quyền trình bày ý kiến tại tòa. Trong số gần 100 học viên ủy quyền cho bà Hiền, có 14 người được trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả.

Theo trình bày của bà Hiền, gần 100 học viên này đều muốn đòi lại số tiền mà họ đã nộp cho Trường ĐH Đông Đô.

Trước ý kiến của người đại diện, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Năng Thành cho rằng, tòa đang xét xử việc học giả thi giả, còn học thật thi thật thì đây là quan hệ giữa học viên và nhà trường.

Các bị cáo tại tòa

Đối với trường hợp 14 người được cấp bằng giả, số tiền họ đóng bắt buộc phải sung công quỹ, không thể trả lại. Đối với những trường hợp này, họ không bị xử lý trách nhiệm hình sự đã là may rồi.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bà Trần Kim Oanh (cựu Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô) khai, ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch HĐQT) đặt ra quy định, mỗi nhân viên của trường phải “môi giới, lôi kéo” về cho trường, mỗi năm ít nhất 4 - 10 hồ sơ xin làm giả văn bằng 2.

Điều này thậm chí được quy định cụ thể trong các văn bản của trường, được ban hành công khai.

Với mỗi hồ sơ mang về cho trường, cán bộ được trường trích lại và chia cho ít nhất 7 triệu đồng, tuỳ theo số tiền học phí mà học viên nộp.

“Đây được gọi là tiền thưởng, do nhà trường quy định chứ không phải tiền học viên cảm ơn”, bà Oanh khai.

Đồng cấp của bà Oanh, bị cáo Lê Ngọc Hà cũng thừa nhận đã được hưởng lợi 100 triệu đồng, là tiền công ty thưởng do đã kéo về được nhiều học viên có nhu cầu nhận bằng giả.

Theo lời khai của bị cáo Hà, tổng số tiền bị cáo nhận từ những học viên này là 1,8 tỷ đồng. Bị cáo nộp 800 triệu đồng về quỹ của trường.

“Sau khi có xì xào về việc trường làm bằng giả, một số học viên đòi lại tiền, nên bị cáo phải trả lại họ 900 triệu đồng, còn giữ lại 100 triệu đồng”, bị cáo khai.

Về số tiền các học viên nộp vào trường để mua bằng giả, bị cáo Nguyễn Thị Huệ (Trưởng phòng tài vụ) cho biết, không được đánh dấu hay mã hoá riêng trong các tài liệu thu chi của trường.

Việc đóng học phí có thể nộp ngay khi đăng ký, cũng có thể nộp trước khi lấy bằng, “nhưng chưa nộp tiền thì chưa được nhận bằng”, bà Huệ khai.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu cán bộ Trường ĐH Đông Đô, bị cáo Phạm Vân Thùy trình bày, bị cáo là người trông thi, cho các học viên làm bài. Sau khi phát số báo danh, phát đề thi, bị cáo phát luôn cả đáp án để học viên chép xong thì nộp lại.

Tại phiên toà, luật sư của trường Đông Đô cho rằng, con số thiệt hại 7,1 tỷ đồng mà VKS yêu cầu trường ĐH Đông Đô và các bị cáo liên đới phải trả là không đúng. Luật sư cho hay, sẽ phân tích rõ trong phần tranh luận.

Tác giả: T.Nhung

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến