Người thiểu số Tây Nguyên khổ vì vay nặng lãi
11/12/2015 10:00:49
Có đến 86% các hộ dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được hỏi cho biết đang phải gánh nhiều khoản nợ khác nhau, với mức nợ từ 50 đến 240 triệu. Thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định, phần lớn những hộ này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân với lãi suất lên tới 50-60%/năm.

Tin liên quan

Thông tin trên được lấy từ kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), Trung tâm chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP).

Theo đó, khoảng 90% số hộ cảm thấy gánh nặng nợ là nghiêm trọng cho tới rất nghiêm trọng. Đáng chú ý, tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, 7 – 8% là để trả các khoản nợ đã có.

Có nhiều lý do khiến người dân phải vay nặng lãi từ tư nhân: do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục rất đơn giản, không yêu cầu thế chấp, đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.

Nông dân dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang phải gánh nhiều khoản nợ do vay vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp - Ảnh: Internet

Một người dân đã kể với nhóm nghiên cứu rằng, để vay 15 triệu đồng ở một ngân hàng, họ phải dẫn hết con cái có tên trong hộ khẩu ra ngân hàng ký tên. Còn vay tiền ở một người chuyên cho vay ở địa phương thì chỉ cần một tờ giấy.

“Vay bà H (tên một người cho vay) viết giấy có một chút. Vay bà H giống như đi xin tiền bố mẹ vậy thôi, nhanh lắm”, người này nói.

Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng tác động đến lựa chọn chỗ vay của đồng bào dân tộc, đó là mối lo sợ bị ngân hàng tịch thu tài sản thế chấp hoặc phải đi tù, không khất nợ được khi không có khả năng trả đúng hạn.

“Tư nhân không tới nhà mình, họ gặp ở đâu thì nhắc thôi. Vay nhà nước mình không khất nợ được, tới hạn phải vay nóng để đáo nợ ngân hàng”, một người dân giải thích với nhóm nghiên cứu.

Theo nghiên cứu, người nông dân các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đã chuyển đổi hoàn toàn từ tự cung tự cấp, phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng sang sản xuất định hướng thị trường. Họ chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa với nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất rất cao, trong khi hệ thống tín dụng của Nhà nước chưa đáp ứng được và tình trạng thua lỗ từ mùa vụ thì liên tục tái diễn.

Tiến sĩ nhân học Hoàng Cầm, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định: “Nếu tiếp tục sản xuất và đầu tư theo phương thức này, người dân tộc thiểu số sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần, nghèo khổ và tiếp tục chịu nhiều định kiến nặng nề của xã hội”.

Về giải pháp, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải xây dựng chương trình tín dụng đặc thù cho Tây Nguyên bởi chính sách  “tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” theo Nghị định 55/2015/NĐ/CP (Chính phủ ban hành ngày 9-6-2015) vẫn còn nhiều hạn chế.

Quy định người nông dân có thể vay tối đa 100 triệu nhưng yêu cầu phải liên kết với doanh nghiệp, hay được phép vay tối đa 200 triệu đồng nếu đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm đã loại bỏ đặc quyền được lựa chọn sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì của người Tây Nguyên nói riêng và người thiểu số ở miền núi nói chung, theo nhóm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng khuyến nghị giảm thiểu việc khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kinh tế thị trường hay “hiện đại hoá” nông nghiệp bằng mọi giá, theo phong trào; nên xoá bỏ việc coi sản xuất theo kinh tế thị trường là con đường phát triển duy nhất và tốt nhất trong chiến lược, chính sách phát triển dài hạn kinh tế các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Sản xuất theo kinh tế thị trường chỉ nên được xem là một trong những mô hình để người dân lựa chọn, bởi không phải hộ gia đình và thậm chí cộng đồng tộc người thiểu số nơi nào cũng hội đủ các điều kiện để tham gia vào sản xuất thị trường đầy rủi ro.

Nghiên cứu “Hiện trạng nợ ở các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên hiện nay” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn miền Nam (SCAP) tiến hành từ ngày 28-06 đến ngày 14-07-2015 trên địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và huyện Lắk (Đắk Lắk). Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính, phỏng vấn sâu 44 người, bao gồm người dân tộc M’nông, K’ho, Châu Mạ, Tày và người Kinh, và điều tra ngẫu nhiên 56 hộ gia đình người K’ho và M’nông. Ngoài ra, nhóm cũng sử dụng phương pháp phân tích tư liệu để đối chiếu, so sánh.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến