Dòng sự kiện:
Người trẻ mê làm nông nghiệp: Động lực thoát nghèo và thu nhập tiền tỷ
23/11/2021 07:12:47
Với khát vọng thoát nghèo, những thanh niên này mạnh dạn gây dựng những mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Những nỗ lực giúp họ không những thoát nghèo mà còn có thu nhập tiền tỷ.

Động lực thoát nghèo

Ở xã Trung Hạ, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá), hầu như không ai không biết đến anh Hà Văn Thương (SN 1990), ở bản Din, một thanh niên với nghị lực thoát nghèo đã khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Sinh trưởng một gia đình người Thái nghèo, anh Thương luôn ấp ủ khát vọng “phải làm được điều gì đó” để gia đình thoát cảnh nghèo túng. Tốt nghiệp đại học Tây Bắc, cầm tấm bằng trên tay, anh loay hoay tìm hướng đi cho bản thân.

Trở về quê, nhận thấy lợi thế đất rừng rộng lớn và khí hậu trong lành, năm 2019, anh mạnh dạn bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi. Nghĩ là làm, anh vay vốn ngân hàng, mua con giống làm trại chăn nuôi gà thả đồi dưới tán rừng luồng.

Anh Thương thoát nghèo nhờ mô hình chăn nuôi gia cầm, gia súc

“Ban đầu, tôi cũng có nhiều lo lắng vì chưa có kinh nghiệm, nhưng đã quyết tâm thì không được phép nản lòng. Tôi đi học từ những người có kinh nghiệm, đọc nhiều sách để có kiến thức nuôi trồng và chăm sóc. Cứ như vậy, lứa gà đầu tiên thành công, tỷ lệ chết ít, thịt thơm ngon nên được nhiều người ưa chuộng”, anh Thương nói.

Nông dân 9X này cho biết thêm, hiện nay, có khoảng 5.000 con gà đang chuẩn bị đến kỳ xuất chuồng. Chủ yếu được bán cho các khách hàng trong huyện, trong tỉnh. Ngoài đàn gà, anh Thương còn nuôi lợn nái, nuôi dê và bò dưới tán rừng luồng hơn 5ha của mình.

Chỉ sau 2 năm, mô hình của anh Thương đã cho thu nhập khoảng 250 triệu/năm, trở thành hình mẫu và tấm gương thoát nghèo ở huyện vùng biên này. Sắp tới, anh Thương còn có tham vọng mở rộng thêm diện tích rừng và tăng số lượng đàn gia cầm, gia súc.

Anh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hạ nói, mô hình của anh Thương là điển hình thành công nhất của xã, hiện có nhiều người cũng muốn học hỏi kinh nghiệm từ chàng trai này. Ngay bản thân anh Chiến cũng đang học hỏi kinh nghiệm từ trại nuôi của Thương và hiện đang thực hiện mô hình chăn nuôi tương tự.

Thu nhập tiền tỷ

Được biết đến là người đầu tiên của huyện miền núi Quan Sơn nuôi thành công loài cá quý không xương - cá tầm, đó là anh Phạm Ngọc Thanh (SN 1989). Tốt nghiệp đại học với tấm bằng sư phạm ngành thể dục thể thao, sau thời gian lận đận tìm việc nhưng gặp nhiều khó khăn, anh Thanh quyết định rẽ hướng.

Năm 2019, trong một lần đến quê vợ ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện chơi, được người làng rủ đi tắm suối, anh Thanh nhận thấy nước suối mát lạnh, có nhiệt độ quanh năm ổn định phù hợp với môi trường sống của loài cá tầm. Anh Thanh cho biết, do từng có thời gian giúp người họ hàng nuôi cá tầm ở Sa Pa nên anh có kinh nghiệm chăm sóc và hiểu được đặc tính của loài cá này. Phát hiện ra tiềm năng ở vùng đất mới, anh Thanh bàn với vợ nuôi thử nghiệm.


Nuôi cá tầm giúp anh Thanh có thu nhập tiền tỷ

Nghĩ là làm, từ số vốn hai vợ chồng tích góp và vay mượn có hơn 1 tỷ đồng, tận dụng nguồn nước suối dồi dào, anh cải tạo bể nuôi và xây dựng hệ thống mương nước dẫn từ suối đổ trực tiếp vào bể.

Khó khăn chồng chất khi bản nằm sâu trong núi, quanh khu vực này đều rừng, không có đường giao thông. Anh phải thuê người vác từng bao xi măng, viên gạch vào để xây dựng đường dẫn nước và cải tạo bể nuôi.

“Để đưa được cá giống về cũng là một bài toán khó bởi đây là giống cá khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao. Cuối cùng, sau nhiều tính toán kỹ lưỡng, đàn cá giống 1.000 con từ Sa Pa cũng được đưa về đến nơi an toàn”, anh nhớ đó là năm 2019.


Mô hình nuôi cá tầm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Lúc mới thử nghiệm, cá chết nhiều khiến anh rất sốt ruột. Nhưng khi chú ý chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá không còn chết mà sinh trưởng nhanh. Thành công bước đầu, anh quyết định xây thêm bể và nhập thêm con giống.

Đến lứa nuôi thứ hai thì tỷ lệ sống gần như 100%. Tốc độ tăng trưởng nhanh, cho cân nặng khoảng 2-4kg. Hiện trại nuôi có khoảng 10 tấn cá đang chuẩn bị xuất bán. Cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.

Theo anh Thanh, điều quan trọng nhất của việc nuôi cá tầm là thiết kế ao nuôi sao cho hệ thống nước tuần hoàn, cung cấp oxy liên tục cho cá, nước từ suối chảy vào bể rồi lại từ bể chảy ra ngoài, đảm bảo nước luôn phải sạch. Nếu không cá dễ mắc bệnh và chết.

“Đầu tư loài cá này không ít vốn, kỹ thuật cũng yêu cầu cao. Khi cá còn nhỏ, tôi phải cho ăn cách nhau 2 tiếng, cả đêm phải thức canh để cho cá ăn. Khi cá lớn lên thì tần suất ăn mới giảm xuống. Dù vất vả nhưng kết quả thu được rất khá. Tôi dự tính sang năm doanh thu có thể lên tới 10 tỷ đồng”, anh Thành nói hiện nay thị trường đang đón nhận rất tốt, ngoài cá tầm, hiện anh còn nuôi thử nghiệm thêm cá hồi.

Ông Lương Tiến Thành, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn huyện rất lớn bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nhiệt độ lạnh quanh năm.

"Nếu tận dụng được thì sẽ là hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người dân. Song, do khó khăn nguồn vốn nên người dân chưa nhân rộng được, địa phương rất cần có thêm những doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có này", ông Thành nói.

Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến