Dòng sự kiện:
Nguồn cung xăng dầu: Bộ Công Thương nói đủ, sao nhiều nơi thiếu?
06/09/2022 15:58:48
Bộ Công Thương luôn khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng thực tế gần đây loạt cây xăng, đại lý lại rơi vào cảnh không có hàng để bán.

Trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8/2022 vừa phát hành, Bộ Công Thương một lần nữa khẳng định nguồn cung xăng dầu ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế từ nay đến hết năm. Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu ngày 26/8, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết nguồn cung của thế giới lẫn trong nước lúc này không thiếu và từ nay cho đến hết năm không bao giờ thiếu cung xăng dầu.

Tuy nhiên, thực tế những ngày qua, ở một số thời điểm có nhiều cửa hàng, đại lý không có xăng dầu để bán. Đoàn thanh tra của Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đi kiểm tra cũng ghi nhận nhiều nơi hết xăng dầu.

Điều hành giá xăng dầu đang có vấn đề

Nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc điều hành xăng dầu từ đầu năm đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, cơ quan điều hành cần linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng, tránh việc tắc nguồn cung, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

Chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần điều hành linh hoạt, chủ động hơn để đảm bảo cung ứng xăng dầu. (Ảnh minh họa: Thu Nga)

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận vấn đề với thị trường xăng dầu hiện nay nằm ở cách quản lý, điều hành, trong có công thức tính giá chưa chuẩn. Ví dụ về chi phí vận chuyển, trước đây phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam khoảng 1 USD/thùng, nay lên gấp 2 – 3 lần song vẫn giữ định mức 1 USD/thùng là không ổn. Hay về tiêu chuẩn khí thải, Việt Nam điều hành giá với xăng dầu theo tiêu chuẩn khí thải Euro 3, trong khi thế giới áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 (chênh lệch khoảng 7 – 8 USD/thùng). Như vậy doanh nghiệp nhập khẩu chịu chênh cao quá, nếu cơ quan điều hành không định giá lại thì không thể được.

Thứ nữa, thời gian giữa hai kỳ điều hành dài, trong khi giá thế giới biến động liên tục khiến doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Khi doanh nghiệp nhập khẩu giá cao, bán giá thấp do kỳ điều hành kéo dài vì trùng vào ngày nghỉ, không bám sát giá thế giới sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu thua lỗ. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không muốn bán, kìm lại để tránh lỗ. Nhà nước muốn bắt họ bán cũng khó, bởi họ tìm mọi cách để tránh bị phát hiện, xử phạt.

Thứ ba, gần đây Bộ Công Thương rút giấy phép loạt doanh nghiệp đầu mối. Theo quy định, các cửa hàng nhượng quyền, bán lẻ chỉ được nhập hàng từ 1 nhà phân phối. Nên khi doanh nghiệp đầu mối bị tạm thu giấy phép, các đại lý, cửa hàng phía sau sẽ không có xăng dầu để bán. Việc xử phạt nhưng không tính toán các khả năng cung ứng nguồn hàng cho đại lý, cửa hàng bán lẻ khiến nhiều nơi bị cắt nguồn hàng, phải treo biển hết hàng.

“Nếu chỉ tính tổng lượng xăng dầu nhập khẩu, sản xuất với tổng lượng tiêu dùng thì cân bằng nhau, thậm chí còn dư. Bộ Công Thương dựa số liệu đó để nói nguồn cung đủ thì đúng là đủ rồi. Nhưng ở một số thời điểm nhất định, ở một số địa phương, một số đầu mối bị thiếu…”, chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng cho rằng thị trường xăng dầu trong nước đang có quá nhiều vấn đề. An ninh năng lượng của một quốc gia không thể lúc thiếu, lúc thừa, lúc găm hàng, lúc buôn lậu, lúc thiếu nguồn cung… rõ ràng quản lý vĩ mô cẫn xem lại.

 

 

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường biến động về giá cả, cung cầu và biến động mạnh như vừa qua nếu điều hành giá không linh động, phù hợp sẽ khiến doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu bị thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Từ đó dẫn đến việc một số lấy cớ khan hàng để găm hàng hoặc bán nhỏ giọt, làm ảnh hưởng cung cầu thị trường và an ninh năng lượng.

Ổn định thị trường thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để ổn định thị trường xăng dầu, cơ quan điều hành phải kiểm tra lại toàn bộ nguồn cung sản xuất, nhập khẩu cung ứng cho nền kinh tế; nắm chắc số liệu từ các doanh nghiệp đầu mối, tránh báo cáo số liệu một đằng, thực tế một nẻo, từ đó cân đối để đảm bảo nguồn cung. Chú ý nguồn cung từng địa bàn, từng địa phương khác nhau... và phải có kho dữ liệu để đồng bộ quản lý, điều hành.

Thứ nữa, xem xét lại cơ chế giá cũng như cách thức quản lý xăng dầu để quản lý tốt hơn. Xem lại cách thức tổ chức thị trường xăng dầu hiện nay, từ đó đảm bảo doanh nghiệp có lợi nhuận định mức phù hợp quy định của Nhà nước. 

Bên cạnh đó, rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 1 tuần hoặc 5 ngày lần. Nếu rút ngắn được thời gian giữa hai kỳ điều hành, có thể bỏ quỹ bình ổn…để xăng dầu theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng thị trường xăng dầu công khai minh bạch.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp. Cụ thể, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu đã được phê duyệt năm 2022 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.

Tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu cho thị trường của các doanh nghiệp đầu mối trong nước, khả năng sản xuất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu Bình Sơn và ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hiệp hội ngành hàng liên quan để xây dựng, ban hành quyết định phân bổ hạn mức nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý IV/2022 (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng.

Phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Vẫn theo Bộ Công Thương, trong tháng 8, nhiều cây xăng trên cả nước thông báo hết xăng hoặc bán cầm chừng với lý do thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên phạm vi cả nước. Đoàn sẽ tập trung chỉ đạo việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh, đại lý, cửa hàng bán lẻ…Những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu găm hàng, không thực hiện đúng nghĩa vụ và quy định sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy định.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây đã có văn bản khẩn gửi các bộ, ngành nêu rõ: Các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tại nguồn trong nước chưa được tính đủ từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7 đến nay đã tạo ra khó khăn rất lớn về nguồn lực tài chính của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao/chiết khấu cho các thương nhân nhượng quyền bán lẻ...

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 95, do thời điểm điều hành giá trùng vào lễ 2/9 nên thời gian điều hành giá phải lùi lại đến ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.

Theo Petrolimex, sự cộng hưởng của các yếu tố trên đã tác động rất lớn đến thị trường xăng dầu trong nước. Thậm chí đã xảy ra hiện tượng nhiều cửa hàng dừng bán hàng, dẫn tới nhu cầu dồn về Petrolimex và sản lượng tiêu thụ của tập đoàn tăng mạnh trên các kênh bán hàng, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp.

Để bình ổn thị trường xăng dầu, Petrolimex khẩn thiết kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra để đảm bảo tất cả thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đều phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn hàng đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu bán hàng của hệ thống phân phối của mình; kịp thời điều chỉnh các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở và chi phí vận tải vào chu kỳ điều hành giá để giảm bớt khó khăn cho các thương nhân đầu mối.

Tác giả: Hoà Bình

Theo: VTC News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến