Dòng sự kiện:
Nguyên nhân nào khiến kết quả kinh doanh 2018 của Eximbank gây thất vọng?
28/02/2019 06:00:11
Eximbank bất ngờ báo kết quả kinh doanh năm 2018 với lợi nhuận trước thuế giảm 18,7% xuống còn 827 tỷ đồng, chỉ đạt 52% kế hoạch đề ra. Kết quả yếu kém này là hệ quả tất yếu của việc chậm trễ trong tái cơ cấu.

2018 tiếp tục là một năm Eximbank gặp khó khăn về tăng trưởng cho vay khách hàng. Tốc độ tăng trưởng bình quân cho vay khách hàng của nhà băng này từ năm 2011 đến nay chỉ đạt 4,2%/năm. Điều này khiến thị phần cho vay của Eximbank ngày một bị thu hẹp, từ vị trí top 10 nay ngân hàng đã rơi xuống top 15.

Đáng chú ý, Eximbank bị lỗ tới 309 tỷ đồng trong quý 4 mặc dù thu nhập từ hoạt động cốt lõi – thu nhập lãi thuần vẫn tăng khá cao 29,7% so với cùng kỳ đạt 900 tỷ đồng. 

Do khoản lỗ tương đối lớn trong quý 4, cả năm 2018, Eximbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017. Hai mảng có kết quả tăng trưởng cao nhất của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.207 tỷ đồng; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng gần 5 lần đạt 519 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thoái vốn khỏi Sacombank.

Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán bị lỗ tới 116 tỷ; lãi từ hoạt động khác giảm 48% chỉ còn đạt 226 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 4,7% đạt 347 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,1% đạt 269 tỷ.

Chi phí hoạt động tăng mạnh 31,5% lên 2.900 tỷ đồng và Eximbank đã phải trích lập 390 tỷ đồng dự phòng, đưa vào chi phí hoạt động. Vụ việc các cá nhân lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình với số tiền 245 tỷ đồng cũng khiến ngân hàng ảnh hưởng trong năm 2018..

Tuy nhiên, có thể thấy chất lượng tài sản của Eximbank đã cải thiện dần với việc nợ xấu giảm 377,42 tỷ đồng, chủ yếu là nợ nhóm 4 và nhóm 5. Hiện tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng là 1,84%. 

Kết quả kinh doanh yếu kém là hệ quả tất yếu của việc Eximbank chậm trễ trong tái cơ cấu. Giải thích cho sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận năm 2018, đặc biệt là khoản lỗ trong quý 4, Eximbank cho biết kết quả kinh doanh (chênh lệch thu chi) đến quý 4/2018 của ngân hàng và công ty con đạt khả quan hơn so với dự kiến. Chênh lệch thu chi lũy kế riêng ngân hàng đến ngày 31/12/2018 trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng đạt 1.705 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của NHNN về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để đẩy nhanh thu hồi và xử lý nợ xấu, Eximbank đã quyết định dùng phần lớn chênh lệch thu chi trước thuế để trích lập thêm dự phòng, tổng cộng 904 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm trích bổ sung dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC theo Thông tư 08/2016 của NHNN số tiền 514 tỷ nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC. Ngoài ra, trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi là 390 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 152.709 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,9% đạt 103.171 tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng cũng chỉ tăng nhẹ 1,1% đạt 118.804 tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm 16,4% so với đầu năm xuống mức 1.921 tỷ đồng, chiếm 1,84% tổng dư nợ cho vay tại Eximbank.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến