Dòng sự kiện:
Nhà 154 tỷ, nâng khống rồi bán cho ngân hàng giá 1.200 tỷ đồng
27/08/2016 09:40:03
Căn nhà tại Phạm Ngọc Thạch của bà Hứa Thị Phấn được nâng khống lên hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi đó, hội đồng định giá giá thị trường định giá ngôi nhà này là 154 tỷ đồng vào thời điểm đó...

Tin liên quan

Tại phiên xét xử đại án Phạm Công Danh chiều 25/8, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị khởi tố tại tòa với nhóm bà Hứa Thị Phấn.

Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh, đây là khởi tố vụ án để điều tra hành vi của nhóm Phú Mỹ, không phải khởi tố cá nhân. Việc đề nghị khởi tố tại tòa là hoàn toàn có cơ sở.

Bà Hứa Thị Phấn tại Tòa

Theo Viện kiểm sát, căn cứ đề nghị khởi tố nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn là đại diện) được thông qua các kết luận của cơ quan điều tra.

Cụ thể, qua điều tra cho thấy tình trạng hoạt động thua lỗ của Đại Tín dưới thời nhóm bà Phấn là bởi các sai phạm có dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế... của nhóm này.

Tại thời điểm thanh tra Đại Tín, vốn chủ sở hữu ngân hàng này âm hơn 2.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ đồng. Đây là giai đoạn điều hành của nhóm cổ đông Phú Mỹ.

Thông qua các cá nhân, nhóm bà Hứa Thị Phấn đã vay tiền của Đại Tín để mua các bất động sản sau đó dùng làm tài sản đảm bảo nâng khống giá trị lên hơn 4.200 tỷ đồng để vay 3.581 tỷ đồng tại ngân hàng Đại Tín.

Trong số này, riêng căn nhà tại Phạm Ngọc Thạch của bà Phấn đã được nâng khống lên hơn 1.200 tỷ đồng, trong khi đó, hội đồng định giá giá thị trường định giá ngôi nhà này là 154 tỷ đồng vào thời điểm đó (tháng 2/2012)... Việc này đã gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng cho ngân hàng Đại Tín.

Trong khi trước đó, tại phiên xét xử sáng 25/8, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn khẳng định bà Phấn mới là nạn nhân của Phạm Công Danh trong việc chuyển nhượng lại ngân hàng. Luật sư này cũng khẳng định Danh bỏ 4.600 tỷ đồng ra là để mua nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng.

Luật sư cũng cho rằng việc Đại Tín thua lỗ nhiều trước khi chuyển giao cho Phạm Công Danh vẫn còn nhiều tranh cãi. Thực trạng tài chính ngân hàng Đại Tín năm 2011: vốn chủ sở hữu là 3.215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 80 tỷ đồng.

Năm 2012, vốn chủ sở hữu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 83 tỷ đồng. Ông Hoàng Văn Toàn (chủ tịch Đại Tín lúc đó) không chấp nhận kết luận thanh tra về ngân hàng Đại Tín về việc âm vốn 2.800 tỷ đồng.

Trước đó, tại phiên xử chiều 16/8, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết đã phát hiện dấu hiệu lừa đảo để lấy tiền của ngân hàng của nhóm Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn là đại diện. Việc mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín cần được điều tra, khởi tố hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện kiểm sát cũng đã đề nghị khởi tố vụ án này ngay tại tòa.

Đề nghị thu hồi số tiền Phạm Công Danh trả bà Hứa Thị Phấn

Qua cáo trạng được công bố trước đó và lời khai các bị cáo cho thấy, bắt đầu từ cuối năm 2011 từ nhu cầu cần có một ngân hàng chuyên về xây dựng, Phạm Công Danh - Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh đề xuất thành lập một ngân hàng xây dựng. Tuy nhiên, đề xuất này của Danh đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đồng thời, khi đó, ngân hàng Đại Tín (TrustBank) do nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn sở hữu đang rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ. Kết luận thanh tra cho thấy, ngân hàng này lỗ khoảng 11.000 tỷ đồng và có khoảng 11.000 tỷ đồng là nợ khó đòi.

Theo lời Danh trước tòa, Danh đến với TrustBank là thông qua Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Thời điểm đó, ông Thắm cũng muốn “mua” TrustBank nhưng NHNN không đồng ý. Hà Văn Thắm đã giới thiệu Danh tiếp cận nhóm Phú Mỹ. Tranh thủ cơ hội này, Danh đã quyết định bỏ tiền tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Sau đó, Ngân hàng Đại Tín được chuyển giao cho Phạm Công Danh vào tháng 6/2012 với số tiền được Danh khai đưa cho ông Thắm là 500 tỷ đồng (môi giới) và Danh thỏa thuận trả cho nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn số tiền là 4.600 tỷ đồng để tiếp nhận cả nợ nần cũng như toàn bộ tài sản thế chấp của các khách hàng tại ngân hàng này.

Tổng số tiền Danh đã trả cho nhóm cổ đông Phú Mỹ là 3.658 tỷ trên tổng số 4.600 phải trả. Số tiền này, theo lời khai của Danh, không phải là tiền mua cổ phần, mà là tiền để nhận các tài sản của VNCB bao gồm: đất Nhà Bè, quận 2, Công ty cổ phiếu Đại Việt và công ty cổ phần bảo hiểm Hùng Vương… Số tài sản này lúc đó được định giá 7000 tỷ đồng.

Danh nói: “Tôi tin rằng, trong bối cảnh bất động sản khó khăn nhưng thêm thời gian thì tài sản sẽ lên giá, chứ không phải tôi trả tiền mua cổ phiếu. Tiền này tôi trả để lấy lại tài sản đó”.

Tuy nhiên, sau đó Danh mới biết, tất cả những tài sản mà Đại Tín để lại không thể lấy ra sử dụng do đang bị kiểm soát và không thể đem ra bán được như Dang kỳ vọng.

Liên tục trong những ngày thẩm vấn trước, Phạm Công Danh đều kêu rằng việc mua bán và tái cơ cấu VNCB là nguồn cơn khiến bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa.

Theo Danh, việc chấp nhận tái cơ cấu lại ngân hàng khi nó đang lỗ đến 11.000 tỷ đồng, trong đó có đến hàng chục tỷ tiền khách hàng vay là nợ xấu, khó đòi khiến Danh liên tiếp lao vào các sai phạm.  Danh liên tục đề nghị tòa thu hồi lại toàn bộ số tiền Danh đã trả nhóm bà Hứa Thị Phấn.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến