Dòng sự kiện:
Nhà băng gần hơn với chuẩn Basel 2
31/10/2019 12:12:49
Các chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng tham gia Basel 2 đã tạo ra sự phân hóa khá rõ nét giữa nhóm các TCTD đã và chưa áp dụng...

Ảnh minh họa

Chủ động hoàn thành trụ cột chính

Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) vừa được NHNN cho phép áp dụng chuẩn Basel 2, đưa số lượng các NHTM áp dụng chuẩn quốc tế lên 12 ngân hàng. Theo Ngân hàng Bản Việt việc được NHNN quyết định cho phép áp dụng Thông tư 41/2016/TT- NHNN trước thời hạn là do ngân hàng đã ý thức được tầm quan trọng của công tác quản lý rủi ro từ năm 2017.

Theo đó, Ngân hàng Bản Việt đã thành lập Dự án triển khai quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel 2 và từng bước hoàn thành các hạng mục của lộ trình nhằm đảm bảo đáp ứng Basel 2 trước thời hạn.

Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan và tuân thủ chặt chẽ các chuẩn mực, ngân hàng đã hợp tác với đối tác tư vấn quốc tế là Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG (gọi tắt là KPMG) để xây dựng công cụ và kiểm định kết quả thực hiện. Việc được NHNN chấp thuận cho áp dụng trước thời hạn Thông tư 41 là sự ghi nhận rất lớn đối với nỗ lực của cả Ngân hàng Bản Việt và KPMG trong triển khai áp dụng các thông lệ quốc tế tiên tiến về quản trị rủi ro tại Ngân hàng Bản Việt.

Nhiều nhận định cho rằng, trong các tháng cuối năm 2019 và cả năm 2020, để đảm bảo đáp ứng các quy định về an toàn vốn theo Thông tư 41/2018, nhóm 21 ngân hàng chưa hoàn thành Basel 2 sẽ có áp lực khá lớn, có thể sẽ phải thay đổi bằng cả hiệu quả kinh doanh và các chỉ tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, phân tích chi tiết vào một số TCTD có thể thấy áp lực tuân thủ trụ cột vốn trong Basel 2 của các NHTM trong nước nặng nhẹ khác nhau. Nhóm các NHTM quy mô nhỏ như: SeABank, NamABank, NCB, BacABank, LienVietPostBank, VietBank… việc tăng vốn cấp 1 và cấp 2 đang có diễn biến khá thuận lợi.

Cuối tháng 9/2019, SeABank đã hoàn thành tăng vốn điều lệ lên mức 9.369 tỷ đồng nhờ việc chào bán trên 168 triệu cổ phiếu. NamABank trước đó cũng đã tăng được 537 tỷ đồng vốn điều lệ và sẽ phải huy động thêm khoảng hơn 1.100 tỷ đồng hoàn thành mục tiêu tăng vốn điều lệ trong giai đoạn này. Trong khi đó, NCB cũng đã khẳng định sẽ tăng vốn điều lệ lên mức trên 7.000 tỷ đồng trong năm nay và đạt mức 10.000 tỷ đồng vào năm 2020…

Nhóm các NHTM lớn như BIDV, VietinBank, Agribank cơ sở để kỳ vọng tăng vốn đang có tín hiệu tốt. Với việc chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank, trong quý 4/2019 BIDV dự kiến sẽ thu về gần 20.300 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 34.187 tỷ đồng lên trên 54.480 tỷ đồng. VietinBank, mặc dù việc tăng vốn vẫn khó khăn, nhà băng này cũng đã phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp ra công chúng. Trong quý 4/2019 VietinBank cũng phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.

Nguồn tiền thu về từ 2 đợt phát hành trái phiếu năm 2019, cộng với hiệu ứng tích cực do hệ thống VietinBank đã giảm 26.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng trong quý 4/2018 thì việc đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) đối với nhà băng này không quá áp lực. Nhất là sau năm 2020, khi tỷ lệ sở hữu Nhà nước giảm xuống mức 51%, thì nhà băng này sẽ có cơ hội để phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn nhanh hơn.

Lợi ích lớn hơn đánh đổi tăng trưởng

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng tham gia Basel 2 đã tạo ra sự phân hóa khá rõ nét giữa nhóm các TCTD đã và chưa áp dụng. Để cạnh tranh trên thị trường, bắt buộc nhóm 21 NHTM chưa áp dụng sẽ phải tiếp tục tiến hành các giải pháp tăng vốn và cơ cấu lại danh mục tài sản có, giảm bớt những cấu phần có hệ số rủi ro lớn… để đưa hệ số CAR về ngưỡng tiêu chuẩn 8%.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, vì áp lực tăng vốn cấp 1 và cấp 2 trong năm 2020 vẫn khá lớn nên cuộc chạy đua cạnh tranh phát hành trái phiếu của các NHTM vẫn sẽ diễn ra mạnh.

Tuy nhiên, ông Lực nhận định, khi nhiều NHTM tập trung cơ cấu lại danh mục tài sản có và giảm bớt những cấu phần tín dụng có hệ số rủi ro cao thì mức rủi ro vốn của toàn hệ thống cũng sẽ có cải thiện tích cực và lợi nhuận sẽ giảm ít nhiều. Nhưng xét trên tổng thể thì việc đánh đổi tăng trưởng kết quả kinh doanh này là phù hợp với yêu cầu của hệ thống ngân hàng vì lộ trình để áp dụng Thông tư 41/2018 đã gấp rút và đang trở thành lợi thế cạnh tranh của các TCTD khi tham gia thị trường.

Một số chuyên gia tài chính từng đảm nhiệm chức vụ cao tại các TCTD nhận định việc tuân thủ Thông tư 41/2018 dù ở chiều tiêu cực sẽ gây áp lực phần nào đến doanh thu, lợi nhuận, nhưng ở chiều tích cực sẽ khiến “bộ đệm rủi ro” được tăng cường. Khi các NHTM quy mô nhỏ tăng được vốn điều lệ cũng sẽ tạo ra cơ hội mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, việc tăng vốn gắn với niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán cũng sẽ khiến các NHTM có động lực để gia tăng huy động vốn cấp 2, cải thiện thương hiệu, hình ảnh và uy tín trong hệ thống TCTD.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : tctd , tăng vốn , basel 2
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến