Nhà băng lên sàn 2019: Người rục rịch, kẻ bình chân
Mỗi nhà mỗi cảnh
Ngày 30/7/2019 vừa qua, 419 triệu cổ phiếu VBB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín đã giao dịch trên sàn UpCom với mức giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là thành viên thứ 18 gia nhập khối ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (sàn HOSE, HNX và UpCom).
Nếu xét trong 8 tháng đầu năm 2019, mới chỉ có vỏn vẹn duy nhất VBB thực hiện việc đăng ký giao dịch chính thức. Còn nếu nhìn từ góc độ hệ thống ngân hàng Việt Nam với 34 nhà băng, vẫn còn đến gần một nửa tiếp tục trì hoãn việc lên sàn.
Trong khi đó, hạn chót để các ngân hàng thực hiện việc niêm yết trên thị trường chính thức, theo quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, là hết năm sau (2020).
Dù vậy, cần phải thừa nhận, áp lực buộc phải niêm yết đã khiến nhiều ngân hàng công bố rõ ràng hơn lộ trình lên sàn chứng khoán sau nhiều lần lỡ hẹn.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào quý III/2019. Được biết, vấn đề lên sàn đã được MSB đề cập trong 3 mùa ĐH gần đây, nhưng đều không thể thực hiện.
Giống với MSB, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng chưa thể hiện thực hóa kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên HOSE sau 3 kỳ ĐH. Ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT OCB tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua đã khẳng định, “OCB quyết định phải lùi lại thời gian lên sàn, nhằm có phương án và thời điểm niêm yết hiệu quả nhất đối với Ngân hàng và cổ đông, và kỳ vọng trước khi kết thúc năm tài khóa 2019”;
Một trường hợp khác dự kiến niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2019-2020 là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank). Được biết, kế hoạch này đã được cổ đông thông qua, uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm cụ thể. Hiện tại, cổ phiếu SeaBank đang trong quá trình đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD);
Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch HĐQT ABBank trả lời cổ đông rằng, sẽ đăng ký phát hành tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thực hiện phân phối cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, ABBank sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung toàn bộ cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và nộp hồ sơ niêm yết cho HOSE;
Ngoài các ngân hàng kể trên, một số ngân hàng khác như Nam A Bank, VietCapital Bank, Saigonbank cũng dự kiến lên sàn trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn dự kiến sau năm 2019 mới niêm yết.
Rõ ràng, việc các nhà băng niêm yết sẽ tạo ấn tượng tốt trong mắt giới đầu tư. Bởi lẽ, nó sẽ góp phần giúp ngân hàng tăng tính thanh khoản cổ phiếu, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh. Qua đó, nâng cao uy tín của các nhà băng trong mắt các nhà đầu tư. Nhờ vậy, việc gọi vốn cũng trở nên dễ dàng hơn, nhất là khi thời hạn phải áp dụng chuẩn Basel II đang đến gần.
Ngoài ra, với danh hiệu là “cổ phiếu vua”, việc các ngân hàng đổ bộ lên sàn cũng được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực với VN-Index.
Tuy vậy, ở chiều ngược lại, vẫn còn một số ngân hàng chưa bày tỏ ý định muốn đăng ký giao dịch. Thống kê cho thấy, đó là các ngân hàng PGBank, PVcombank, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Đông Á.
Trước ngày lên sàn, các ngân hàng làm ăn thế nào?
Giới đầu tư chứng khoán quan niệm, các doanh nghiệp mới niêm yết thường có xu hướng công bố BCTC năm liền trước lãi “đậm”. Điều này nhằm tạo ấn tượng ban đầu tốt với các nhà đầu tư.
Thống kê cho thấy, 5/7 nhà băng có kết quả kinh doanh tăng trưởng là SGB, SeABank, Nam A Bank, Maritime Bank và OCB.
Trước hết, sau 6 tháng đầu năm, SeABank đạt 438,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đột biến 69% so với cùng kỳ và hoàn thành 53,6% chỉ tiêu đề ra; Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 442 tỷ đồng, hoàn thành 55% kế hoạch năm 2019 và tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm 2018;
Với Maritime Bank, lợi nhuận trước và sau thuế đạt 566,8 tỷ đồng và 460,4 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tức tăng lần lượt 192% và 161,4%; Trường hợp duy nhất là SGB dù lãi trước thuế sau 6 tháng giảm 20,7% còn 88,4 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế quý II/2019 đạt gần 18 tỷ đồng, con số rất tích cực nếu so với cùng kỳ lỗ gần 4,3 tỷ đồng;
Ở trường hợp OCB, dù lợi nhuận trước thuế sau 2 quý đầu năm chỉ đạt 1.118 tỷ đồng, giảm 14%, nhưng đã vượt kế hoạch đề ra 8%;
Trong khi đó, 2 ngân hàng còn lại là ABBank, VietCapital Bank đều công bố kết quả kinh doanh kém sắc.
Cụ thế, lợi nhuận trước thuế ABBank sau nửa đầu năm 2019 đạt 551 tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2018 và mới chỉ hoàn thành 45% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra;
Riêng với trường hợp VietCapital Bank, lãi trước thuế của ngân hàng trong nửa đầu năm chỉ đạt 47,9 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. So với mục tiêu đề ra cả năm (lãi trước thuế 205 tỷ đồng), VietCapital Bank mới thực hiện được 23% kế hoạch.
Như Nhadautu.vn đề cập trước đó, trường hợp VietCapital Bank còn phức tạp hơn. Tới cuối năm 2018, VietCapital Bank có 925 cổ đông, trong đó 911 cổ đông cá nhân nắm 78,16% cổ phần và 14 cổ đông tổ chức sở hữu 21,84% còn lại. Đáng chú ý, có tới 77,56 triệu cổ phần, tương đương 26% vốn đang trong tình trạng bị phong toả, 41,7 triệu cổ phần (14% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng, lượng cổ phần được chuyển nhượng tự do chỉ là 60%.
Gần 120 triệu cổ phiếu thuộc diện bị phong toả và hạn chế chuyển nhượng (tương đương 40% vốn) khiến ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình tăng vốn. Ngoài ra, điều này đã khiến tính thanh khoản của cổ VietCapital Bank trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Một số ý kiến chuyên gia e ngại, tình hình tài chính chưa ổn định có thể khiến một số nhà băng tiếp tục hoãn kế hoạch niêm yết. Đặc biệt, năm 2019 được dự báo sẽ khó khăn hơn với ngành ngân hàng trước áp lực tăng vốn, chưa kể những bất ổn từ thế giới có thể khiến thị trường chứng khoán trồi sụt, qua đó không thuận lợi để cổ phiếu lên sàn.
Điều này không sai, ngoài hai trường hợp ngân hàng kể trên, còn có một số ngân hàng tiếp tục không công bố kế hoạch niêm yết.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý II/2019, nhưng trong quý I vừa qua, nhà băng này ghi nhận lãi sau thuế chỉ đạt gần 7 tỷ đồng, tương giảm mạnh 41% so với quý I/2018. Tỷ lệ nợ xấu trên cho vay giảm từ 3,98% xuống còn 3,85%.
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm 2019 đạt 89,3 tỷ đồng, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 37,1% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Theo Nhà đầu tư
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy