Dòng sự kiện:
Nhà máy gỗ dăm trái phép: Chủ tịch huyện Tĩnh Gia đang làm gì?
01/06/2016 11:13:51
ANTT.VN – Dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các sở, huyện, và ngành và ra quyết định chỉ đạo phải dẹp bỏ những xưởng gỗ dăm trái phép. Tuy nhiên, dường như lãnh đạo huyện Tĩnh Gia, một trong những địa bàn “nóng” về xưởng gỗ dăm trái phép vẫn để “ngoài tai” các ý kiến chỉ đạo…

Tin liên quan

Ai bảo kê doanh nghiệp phá 5000m2 rừng sản xuất?

Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm (huyện Tĩnh Gia) đã có văn bản số 56/TB-UBND thông báo về việc đình chỉ sản xuất gỗ dăm của Công ty TM Minh Long do ông Trần Ngọc Thịnh làm giám đốc.

Song, dường như ông Thịnh và công ty Minh Long coi thường UBND xã Trường Lâm khi tiếp tục ngang nhiên sản xuất gỗ dăm.

Bất lực trước hành động ngang ngược của công ty Minh Long, ngày 16/10/2015, xã Trường Lâm đã có báo cáo số 55/BC-UBND gửi đến UBND huyện Tĩnh Gia. Trong báo cáo nêu rõ “Ngày 7/10/2015, UBND xã Trường Lâm đã ra thông báo số 56/TB-UBND yêu cầu ông Trần Ngọc Thịnh dừng ngay việc sản xuất gỗ dăm, nhưng ông Trần Ngọc Thịnh vẫn không chấp hành mà vẫn tiến hành tổ chức sản xuất, đồng thời cũng không khắc phục các tồn tại… ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây bức xúc trong nhân dân…

Công ty Minh Long coi thường chính quyền khi cố tình sản xuất gỗ dăm trái phép dù đã có biên bản yêu cầu ngừng sản xuất

Với chức năng thẩm quyền ở cơ sở còn có hạn, vậy UBND xã Trường Lâm báo cáo UBND huyện Tĩnh Gia xem xét kiểm tra và giải quyết theo thẩm quyền”.

Sau đó, công ty Minh Long lại chuyển “đại bản doanh” sang một vị trí khác vẫn tại thôn Hòa Lâm xã Trường Lâm.

Đáng chú ý, lần này công ty Minh Long ngang ngược hơn khi tự ý san phẳng khoảng 5.000m2 đất rừng sản xuất để làm xưởng băm dăm trái phép.

Bất chấp quyết định đình chỉ thi công, công ty Minh Long vẫn ngang nhiên san bằng 5.000m2 đất rừng để làm xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép

Dù UBND xã Trường Lâm đã ra quyết định phạt hành chính và yêu cầu công ty Minh Long dừng ngay việc làm sai trái, bất chấp luật pháp. Song một xưởng gỗ dăm vẫn cứ “lầm lũi” mọc lên như thách thức tất cả.

Những động thái trên của công ty Minh Long khiến dư luận đặt ra câu hỏi, “thế lực nào bảo kê cho công ty này?”.

Suốt 8 tháng qua, công ty Minh Long vẫn sản xuất gỗ dăm trái phép mà không bị xử lý. Trong khi xã Trường Lâm dường như bất lực, tỉnh cũng đã chỉ đạo “xóa sổ” song UBND huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có động thái gì.

Xây dựng trái phép kéo dài từ thời Phó ban sang … Chủ tịch huyện!

Trước vẫn nạn gỗ dăm hoành hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngày 11/5/2016 UBND tỉnh này đã triệu tập một cuộc họp với 5 sở, ban, ngành để tìm hướng giải quyết.

Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền khẳng định, tình trạng hoạt động trái phép của các nhà máy gỗ dăm đã làm phá vỡ quy hoạch sản xuất lâm nghiệp của tỉnh, thất thoát trong hoạt động thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng rừng... "Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu cần chấn chỉnh hoạt động, xử lý triệt để các cơ sở băm dăm gỗ trái phép trên địa bàn tỉnh, đóng cửa các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận", ông Quyền cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; sau khi giải tỏa các cơ sở hoạt động trái phép, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực dăm gỗ. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương tăng cường quản lý hoạt động các doanh nghiệp sau đầu tư về mặt quy mô, công nghệ; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Đối với UBND các huyện có cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ cần quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để tình trạng hoạt động trái phép tiếp tục diễn ra.

Chỉ đạo của Phó chủ tịch tỉnh rõ ràng như vậy, song các xưởng gỗ dăm như Minh Long, Việt – Trung và các xưởng khác trên địa bàn huyện Tĩnh Gia vẫn ngang nhiên hoạt động.

Trước thực trạng trên, ngày 30/5/2016, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, song ông Dũng vẫn “đùn đẩy” trách nhiệm sang BQL Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau một vài câu chất vấn của PV thì ông Dũng cho biết, cán bộ phụ trách về vấn đề này (vấn đề xưởng gỗ dăm trái phép) đang đi công tác, và khi nào cán bộ này về sẽ xếp lịch trả lời?!

Lễ trao quyết định chỉ định ông Nguyễn Tiến Dũng làm Phó Bí thư huyện uỷ Tĩnh Gia

Ngày 31/5/2016, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Thanh Hà, Phó BQL Khu kinh tế Nghi Sơn. Ông Hà khẳng định, BQL KKT chỉ có thể xử lý các doanh nghiệp được cấp phép nhưng làm sai phép. Còn các xưởng không phép thì phải do chính quyền địa phương xử lý.

Trong sáng nay, ngày 1/6/2016, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn đã có văn bản số 995/BQLKKTNS-XTĐT gửi UBND huyện Tĩnh Gia và An ninh tiền tệ và Truyền thông về việc xử lý các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép trên địa bàn KKT Nghi Sơn.

Văn bản BQL KKT Nghi Sơn gửi huyện Tĩnh Gia xử lý vấn nạn gỗ dăm trái phép trên địa bàn KKT

Văn bản nêu rõ: “Vừa qua, BQL KKT Nghi Sơn đã phối hợp với sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh tình hình hoạt động các cơ sở gỗ dăm trên địa bàn KKT Nghi Sơn. Sau khi tiền hành rà soát, BQL KKT Nghi Sơn đã phát hiện 5 cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép, cụ thể:

Tại mặt bằng khu dịch vụ dầu khí tổng hợp, cảng Nghi Sơn có 2 doanh nghiệp hoạt động trái phép bao gồm:công ty TNHH thương mại và đầu tư Nghi Sơn và Côn ty cổ phần Sinh Lộc Phát. Các doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2013, trong quá trình kiểm tra Ban đã phát hiện và yêu cầu dừng hoạt động và thông báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có biện pháp để giải quyết triệt để, đến nay các công ty này vẫn tiếp tục hoạt động

Ngoài ra, BQL Khu kinh tế Nghi Sơn còn phát hiện thêm 3 cơ sở gỗ dăm trái phép khác gồm: Công ty TNHH Thành Tiến hoạt động tại xã Hải Thưởng, Công ty TNHH Minh Long và Công ty TNHH Việt Trung hoạt động tại xã Trường Lâm huyện Tĩnh Gia. Các công ty này đều thuê đất của các hộ dân để hoạt động và đến nay cũng chưa có biện pháp xử lý của cấp có thẩm quyền.

Vì vậy để chấm dứt tình trạng sản xuất gỗ dăm trái phép trên địa bàn KKT Nghi Sơn, Ban đề nghị UBND huyện Tĩnh Gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định, tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý triệt để đối với các cơ sở chế biến chế biến dăm gỗ trái phép nêu trên”, văn bản số 995 đề xuất.

Với văn bản do BQL Khu kinh tế Nghi Sơn cung cấp cho thấy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia không thể “vô can” trong việc để các nhà máy trái phép xây dựng trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều nhà máy gỗ dăm “chui” được xây dựng ngay trong Khu kinh tế Nghi Sơn khi ông Dũng đang đảm trách Phó Ban quản lý. Theo đó, các công ty Công ty TNHH thương mại và đầu tư Nghi Sơn và Công ty cổ phần Sinh Lộc Phát hoạt động từ năm 2013 – thời điểm mà ông Dũng đang giữ chức Phó ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn. Đến tháng 11/2015, ông Dũng được chỉ định làm Phó Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia và Chủ tịch huyện Tĩnh Giang.

Được biết, nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi có cuộc họp chỉ đạo ngày 11/5 thì đích thân Chủ tịch các huyện này đã "ra tay" xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép. Tuy nhiên, riêng huyện Tĩnh Gia thì vẫn mặc nhiên để những cơ sở vi phạm tồn tại, không có biện pháp cụ thể gì. Dư luận đặt câu hỏi, liệu rằng đằng sau các cơ sở gỗ dăm trái phép này còn có "cổ phần" của "sếp" tại đây nên mới "khó" xử lý đến thế?

Thu giấy phép doanh nghiệp hoạt động sai phép

Trong buổi làm việc với PV, Lê Thanh Hà, Phó BQL KKT Nghi Sơn cho biết Công ty TNHH Việt Trung được cấp phép khai thác đá. Giấy phép này là do Sở TN&MT cấp. Tuy nhiên hiện nay công ty này lại sản xuất gỗ dăm. Như vậy là sai so với giấy phép được cấp và phải thu hồi giấy phép của công ty này.

Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến