Dòng sự kiện:
Nhà văn Mỹ : “Tôi đã yêu Sài Gòn như thế nào?”
19/09/2015 08:03:04
ANTT.VN - Tiểu Thuyết gia người Mỹ, David Vann mới đây đã có những chia sẻ nhân chuyến đi đến Việt Nam trên tờ báo hàng đầu nước Anh – The Guardian đăng ngày 13/9.

Tin liên quan

Vào ngày kỷ niệm lần thứ 40 giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2015), tiểu thuyết gia người Mỹ đã bất ngờ khi nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam.

Nhà văn Mỹ mở đầu bài viết: Tôi đã muốn né tránh mùa đông của Bắc Kinh, không khí ô nhiễm quá dày khiến tôi không thể nhìn thấy các tòa nhà chọc trời phía trước. Bắc Kinh lúc này cũng giống như London trong thời kì cách mạng công nghiệp hay là một vùng đất đầy khói bụi nào đó khi vừa trải qua một vụ hủy diệt bằng hạt nhân.

Đèn sáng trên phố Bùi Viện - con phố nhộn nhịp của thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Alamy)

Nhà văn Mỹ dí dỏm viết: “Những bộ phim (giả tưởng) về thời kỳ hậu tận thế có thể được quay ở đây mà không cần đến bất kỳ một hiệu ứng đặc biệt nào”. Những vỉa hè bong bật, các khu chung cư xây dở chưa hẹn ngày hoàn thành, các cột đá bê tông xám xịt. Không chim muông, không động vật, không khí và nước thật lạnh lẽo…

Nhưng có điều gì đó khiến tôi thích về những nước XHCN, vì thế tôi đã không đến Thái Lan hay Philippines. Tôi vào Sài Gòn – nay được gọi là thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi dự định sẽ dành một đêm duy nhất ở đây rồi đến Mũi Né, bãi biển nằm cách Sài Gòn chỉ 5 giờ đi xe buýt, nơi tôi định sẽ đến đây thả diều và đi ngắm hoàng hôn trên mặt biển.

Nhưng tôi đã ở lại Sài Gòn trong vòng 6 tháng mặc dù tôi không hề thích những thành phố lớn. Và dưới đây là lý do tại sao:

Tuần đầu tiên, tôi thức đến tận 4, 5 giờ sáng để nhảy trong các câu lạc bộ. Đây là trải nghiệm duy nhất giống với những điều tôi đã từng làm trước đó ở bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ trong mùa hè cuối những năm 90. Các câu lạc bộ ngoài trời rất sôi động với những màn nhảy múa, đá khô, không khí ấm áp, các lâu đài cát sáng lấp lánh nhìn ra bờ biển Aegean.

Nhưng Sài Gòn còn tốt hơn thế, bởi vì sẽ không ai ở đây phán xét bạn điều gì. Tất cả mọi người rất thân thiện, họ chỉ muốn nhảy và chia sẻ cùng nhau những món đồ uống của mình.

Và họ cũng không quan tâm đến tuổi tác, tôi đã 48, và chẳng có vấn đề gì với đám đông đủ các lứa tuổi từ 20 đến 40 ở đây cả.

Bạn cũng sẽ không phải bận tâm chuyện bạn sẽ nhảy như thế nào. Tôi bò trên sàn hay trèo lên lan can thì mọi người cũng chỉ cười và tham gia cùng tôi.

Nhà văn Mỹ chụp ảnh kỷ niệm với các bạn trẻ Việt Nam (Ảnh: David Vann) 

Tôi cũng nhảy với nhiều phụ nữ, và có cảm giác rất vui vẻ. Tôi đã không thể tìm thấy niềm vui đó trong nhiều năm, và giờ nó làm tôi được trẻ lại thêm một lần nữa.

Ở đây người ta uống bia với rất nhiều đá. Một đêm, bằng cách nào đó, tôi đặt một bàn với một đĩa hoa quả và một chai Smirnoff táo xanh. Tôi không phải là một người có tửu lượng tốt, vậy nên rất nhanh, tôi sớm cảm thấy mình như là một siêu nhân và cố gắng nhảy lộn ngược, đá chân mình lên.

Tôi ngã nhoài, tôi thấy vai mình đau nhức, xương đòn lao vào xương ức ,và tôi phải mất hai tháng sau để chữa trị nhưng tôi vẫn thấy rất vui.

Điều tôi ngạc nhiên nhất ở đây là sự thân thiện. Tôi đã nghĩ rằng sau chiến tranh có thể người Việt Nam sẽ có ác cảm với người Mỹ.

Tôi đến đây để tham dự lễ kỷ niệm lần thứ 40 kể từ khi dân tộc họ đánh bại chúng tôi, một lễ hội lớn trên toàn thành phố với vũ đạo, âm nhạc, hoa và các màn diễu hành quân sự.

Tôi đi vòng quanh một mình nhìn ngắm và tất cả mọi người đều mỉm cười với tôi.

Một quán bar nằm trên phố Bùi Viện (Ảnh: Alamy)

 

Tôi không thể thấy rõ ràng hết đặc điểm của một nền văn hóa vì sự xuất hiện của tôi làm thay đổi mọi thứ. Nhưng tôi có thể nói rằng người dân ở đây không hề phàn nàn và thương hại chính mình như cách người Mỹ vẫn làm.

Họ có thể cho đi một phần không nhỏ từ nguồn thu nhập ít ỏi của mình để chăm sóc bố mẹ hoặc giúp đỡ anh chị em ruột của mình. Họ luôn sống có nhau và gắn kết bằng giá trị gia đình, thứ mà chúng tôi không có ở Mỹ.

Thuật ngữ “giá trị gia đình” ở Mỹ chỉ là phương pháp để gắn kết mọi người, nhưng ở Việt Nam, nó thực sự tồn tại. Sự tự lập và làm việc chăm chỉ mà không phàn nàn vẫn tồn tại.

Và ước mơ của người Việt là cụ thể hơn so với người Mỹ tuy tôi không thể diễn tả được thêm.

"Mọi người đều mỉm cười với tôi" (Ảnh: Getty)

Tôi không nói tất cả là tích cực. Tôi đã từng chạy một chiếc xe máy, và chân của tôi đã bị phỏng rát, nó đau đớn hơn bạn tưởng tưởng nhiều trừ khi bạn đã có kinh nghiệm từ trước.

Tôi cũng được mời đến một số đám cưới. Và tiếng ồn ở đây rất lớn nó phát ra từ các quán karaoke và những xe tải chạy ầm ầm bên đường.

Họ luôn mời tôi ăn những món kinh khủng như là tiết canh và trứng vịt lộn. Nhưng họ lại nhường cho tôi phòng ngủ của họ dù tôi nói chỉ cần nằm ở sàn phòng khách.

Ở đây tôi được ăn những món chưa từng thử trước đây: cá hun khói, xúc xích, đồ uống từ lá và những loại quả mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến. Mắm tôm, nước mắm, thịt lợn nướng và các những loại thực phẩm địa phương đa dạng khác và tôi yêu tất cả những món ăn đó.

Tôi đã ở đây một mình trong sáu tháng nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn. Trên thang cuốn trong khu mua sắm, tôi chỉ vào bắp chân của ai đó và sau đó chỉ vào bắp chân mình và họ cười như thể chúng tôi đều đã trải qua vết sẹo bỏng như nhau.

Con người nơi đây có một sự hào phóng trong tinh thần, tôi khuyên bạn nên đến, trải nghiệm để tin.

Phương PhươngTheo The Guardian

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến